Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng trước đây, bản kê khai tài sản, thu nhập do đơn vị/ bộ phận phụ trách công tác tổ chức nhân sự của cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác quản lý. Đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý, Ban tổ chức cấp ủy cùng cấp quản lý. Như vậy, việc quản lý và khai thác bản kê khai tài sản, thu nhập rất phân tán và ít tính chuyên nghiệp. Đây được nhận diện là một trong những hạn chế của Luật hiện hành dẫn đến tình trạng việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai ít được thực hiện trong 10 năm qua.
Thực tế cho thấy, mặc dù việc kê khai tài sản được thực hiện khá bài bản, đầy đủ, đúng thời hạn… nhưng bản kê khai đó hầu hết không được đánh giá, xem xét bởi người tiếp nhận về mức độ trung thực, hay tìm ra các dấu hiệu ban đầu cho thấy có sự bất hợp lý. Mọi dấu hiệu bất thường dẫn đến có thể tiến hành xác minh chủ yếu là do phát hiện từ báo chí hay sự phát giác của quần chúng nhân dân. Ngay cả khi đã có những dấu hiệu vi phạm thì việc tiến hành thẩm tra xác minh cũng qua nhiều tầng nấc, điều kiện khó khăn và những người tiến hành xác minh cũng thiếu tính chuyên nghiệp cũng như khả năng phát hiện vấn đề… Việc quy định cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập một cách “bán chuyên trách” chính là để khắc phục những hạn chế nêu trên. Vì vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã quy định việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập một cách tập trung. Theo đó, cơ quan, đơn vị quản lý tập trung bản kê khai là cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền. Cơ quan, đơn vị này có địa vị pháp lý “độc lập tương đối” với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai. Điều này giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng. Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận bản kê khai, cung cấp thông tin bản kê khai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai.
Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và đối tượng kiểm soát tài sản thu nhập của các cơ quan này như sau:
Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Như vậy, có thể hiểu Thanh tra Chính phủ là cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập đối với người có chức vụ quyền hạn từ Giám đốc sở và tương đương trở lên và các cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai làm việc tại cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Thứ hai, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc chính quyền địa phương, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này (tức là những đối tượng thuộc sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ). Với quy định này, ngành Thanh tra sẽ có trách nhiệm rất lớn trong việc kiểm soát tài sản thu nhập của những người có chức vụ quyền hạn bởi đối tượng kê khai trong các cơ quan, tổ chức đơn vị nói trên là rất lớn. Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ trung cao cấp trở lên trong toàn quốc chỉ trừ một số đối tượng tại một số cơ quan ở Trung ương, cơ quan tư pháp, kiểm toán và cơ quan Đảng, đoàn thể. Thanh tra cấp tỉnh sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của hầu hết cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước tại địa phương, trừ một số cơ quan tư pháp, cơ quan Đảng, Đoàn thể. Trách nhiệm này sẽ đặt ra cho ngành Thanh tra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian tới.
Đối với các cơ quan, tổ chức khác, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định như sau: Một là, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này (tức là các đối tượng thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ). Hai là, cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ba là, Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại điểm 2 nêu trên. Bốn là, Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước. Năm là, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước. Sáu là, cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.
Tổ chức hệ thống chính trị của Việt Nam khá phức tạp và công tác cán bộ có những nguyên tắc quy định riêng, nên các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể để xác định đối tượng kê khai, cũng như cơ quan tổ chức có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập. Để tạo điều kiện cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện tốt trách nhiệm của mình, pháp luật đã trao cho cơ quan này những nhiệm vụ quyền hạn lớn và khá toàn diện. Điều 31 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập như sau:
“1. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có nhiệm vụ sau đây:
a) Quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là bản kê khai) và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập;
b) Giữ bí mật thông tin thu thập được trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập;
c) Áp dụng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc bảo vệ người cung cấp thông tin được thực hiện như bảo vệ người tố cáo quy định tại Khoản 1 Điều 67 của Luật này;
d) Cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền;
đ) Trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
2. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có các quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;
c) Xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập;
d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;
đ) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ việc xác minh.
3. Việc yêu cầu, đề nghị quy định tại các điểm b, d và đ Khoản 2 Điều này phải được thực hiện bằng văn bản do Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ký. Trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này do Chính phủ quy định.”
Bên cạnh đó, ngày 01/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp bảo đảm thi hành Luật. Trong đó, Điều 67 Nghị định này quy định hình thức yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức như sau: “Việc yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu. Văn bản hoặc thông điệp dữ liệu yêu cầu cung cấp thông tin được chuyển trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua giao dịch điện tử cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu.”
Cũng theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin theo trình tự: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin phải tiến hành một trong các hoạt động sau: Thực hiện việc cung cấp thông tin khi nội dung thông tin được yêu cầu thuộc phạm vi công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này; thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu; chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai. Trả lời bằng văn bản về việc không cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức yêu cầu trong trường hợp nội dung thông tin được yêu cầu không đáp ứng các điều kiện được nêu trên và nêu rõ lý do. Nếu thông tin được yêu cầu đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai thì trong văn bản trả lời phải có hướng dẫn cách thức tiếp cận thông tin đó (Điều 68 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP).
Điều 66 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức là phải “tổ chức, chỉ đạo việc cung cấp thông tin; chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật”.
Như vậy, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có đầy đủ các quyền hạn để phục vụ cho việc kiểm soát tình hình thực tế, sự biến động của tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và qua đó, đánh giá về tính trung thực của việc kê khai cũng như các dấu hiệu nghi ngờ về sự thiếu trung thực, che dấu tài sản hoặc các nghi ngờ liên quan đến hành vi tham nhũng. Đặc biệt là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền chủ động xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đây là một quyền hạn rất quan trọng để khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành khiến cho việc tiến hành xác minh tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là hết sức khó khăn. Chắc chắn khi hình thành Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cũng phải đầu tư về nguồn lực và thời gian để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan này và Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm thực hiện các quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện quyền hạn nhiệm vụ của cơ quan này được nhanh gọn và chặt chẽ.
Để bảo đảm các quyền hạn của Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập được thực hiện, Điều 32 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng đã quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập như sau:
“Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan công an, cơ quan quản lý thuế, hải quan, cơ quan quản lý về đất đai, đăng ký tài sản và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
1. Cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh về tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin đã cung cấp; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
2. Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để làm rõ thông tin liên quan đến nội dung xác minh tài sản, thu nhập hoặc để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;
3. Tiến hành định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật.”
Việc Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định các trách nhiệm trên của cơ quan tổ chức có liên quan đều nhằm giúp cho Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có thể thu thập thông tin, tài liệu một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất phục vụ cho việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài, sản thu nhập, trong đó có nhiều quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trình Chính chủ ban hành trong thời gian sớm nhất./.
TS. Đinh Văn Minh
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP