Hệ lụy của việc bỏ giá thầu quá thấp
Trong quy trình đấu thầu, việc xác định giá trị hợp lý cho các gói thầu là yếu tố quan trọng quyết định không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ thi công, chất lượng sản phẩm và uy tín của tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hiện nay là tình trạng cán bộ không có năng lực hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng dự toán và định giá cho các gói thầu, dẫn đến việc xây dựng giá thầu "trên mây", với mức giá vô cùng thấp và không thực tế so với chi phí của khối lượng công việc, chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ tạo ra sự thiếu minh bạch mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Trong môi trường đấu thầu cạnh tranh gay gắt, nhiều cá nhân hoặc tổ chức có xu hướng hạ giá thầu một cách không thực tế để giành được hợp đồng hoặc đạt được mục tiêu tiết kiệm chi phí. Việc hạ giá quá thấp đôi khi không phải là do thiếu năng lực mà là một chiến lược cố ý nhằm chiến thắng trong đấu thầu để xây dựng bảng thành tích trúng thầu, năng lực tài chính, nhưng điều này lại không đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc sau khi ký hợp đồng.
Một trong những hậu quả nghiêm trọng khi đưa ra giá thầu quá thấp là chất lượng công trình, sản phẩm cung cấp sẽ bị ảnh hưởng. Khi nhà thầu nhận được hợp đồng với giá thấp hơn mức cần thiết, họ sẽ phải cắt giảm chi phí ở nhiều yếu tố khác nhau, từ chất lượng vật liệu, sản phẩm đến nhân công và thời gian thi công.
Bên cạnh đó, giá thầu quá thấp có thể dẫn đến việc nhà thầu không đủ khả năng tài chính để triển khai các công việc đúng tiến độ. Họ có thể phải cắt giảm số lượng nhân công, chất lượng sản phẩm hoặc dừng thi công, cung cấp thiết bị, sản phẩm để tái cơ cấu tài chính, điều này sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và gây ra nhiều chi phí phát sinh.
Để ngăn chặn tình trạng xây dựng giá "trên mây", các cơ quan chức năng cần thực hiện giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng giá gói thầu để đảm bảo mức giá đưa ra phải hợp lý, tương xứng với chất lượng và tiến độ công việc. Điều này có thể thực hiện qua việc đánh giá độc lập hoặc các cuộc kiểm tra định kỳ đối với các dự án đang triển khai.
Đấu thầu công khai không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch và công bằng mà còn là công cụ hiệu quả để tiết kiệm ngân sách trong các dự án công. Việc giảm thiểu chi phí, ngăn chặn gian lận và nâng cao chất lượng dự án là những yếu tố quan trọng làm cho đấu thầu công khai trở thành một giải pháp lý tưởng cho các tổ chức, cơ quan Nhà nước khi thực hiện các dự án quan trọng. Áp dụng đấu thầu công khai sẽ không chỉ giúp tối ưu hóa ngân sách mà còn góp phần xây dựng một môi trường đấu thầu lành mạnh, công bằng và bền vững.
Móc ngoặc tạo ra "đấu thầu giả"
Trong các quy trình đấu thầu hiện nay, một trong những vấn đề nghiêm trọng, nhức nhối là hiện tượng móc ngoặc giữa các nhà thầu để đẩy giá lên cao trong giai đoạn thẩm định, xây dựng giá gói thầu, sau đó hạ giá xuống rất thấp khi đấu thầu chính thức, nhằm qua mặt Chủ đầu tư và giành hợp đồng. Đây là một thủ đoạn không chỉ làm mất đi tính công bằng trong đấu thầu mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về chi phí cho Chủ đầu tư, dẫn đến việc sử dụng ngân sách không hiệu quả và chất lượng dự án bị ảnh hưởng.
Móc ngoặc không chỉ làm sai lệch kết quả đấu thầu mà còn giảm tính cạnh tranh thực sự. Các nhà thầu trung thực sẽ bị thiệt thòi, bởi họ không tham gia vào các thỏa thuận ngầm và luôn phải đấu giá với mức giá thật sự không hợp lý.
Dù giá đấu thầu có vẻ thấp sau khi giảm, nhưng khi các nhà thầu không thể thực hiện gói thầu với mức giá đó, họ sẽ tìm cách tăng chi phí qua các khoản phát sinh. Những chi phí này thường không được tính vào hợp đồng ban đầu, nhưng lại được yêu cầu trong suốt quá trình thực hiện dự án, dẫn đến chi phí tổng thể cao hơn rất nhiều so với giá trị ban đầu.
Một trong những vấn đề nữa, gây lo ngại trong quá trình nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam là chiêu trò đẩy giá lòng vòng từ nước ngoài, hay còn gọi là tăng giá giả tạo. Đây là thủ đoạn mà các đối tác, nhà cung cấp nước ngoài hoặc các doanh nghiệp trung gian sử dụng để thổi giá sản phẩm trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, từ đó làm tăng giá trị hàng hóa cuối cùng và tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp. Mặc dù đây không phải là một vấn đề mới nhưng nó vẫn đang tồn tại và có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế trong nước, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng cũng như Chủ đầu tư của các gói thầu, đồng thời đẩy giá cả thị trường lên cao.
Điển hình như cùng là đơn vị trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN), thế nhưng những năm gần đây Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đã tổ chức hàng trăm gói thầu từ mua sắm đến xây lắp với tổng giá trị trúng thầu hơn 7,5 nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ tiết kiệm trung bình cho ngân sách Nhà nước tại các gói thầu chỉ đạt khoảng 2,76%. Ngược lại, tại Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (Genco 3) những năm gần đây, cũng tổ chức hàng trăm gói thầu với tổng giá trị trúng thầu hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ tiết kiệm trung bình cho ngân sách Nhà nước tại các gói thầu đạt tỷ lệ vô cùng ngường mộ là 38,43%.
|
|
Tổng giá trị trúng thầu do Tổng công ty phát điện 3 tổ chức trong những năm gần đây. |
|
|
Tổng giá trị trúng thầu do Tổng công ty điện lực miền Bắc tổ chức trong những năm gần đây |
Mới chỉ cần so sánh 2 đơn vị trực thuộc EVN đã đủ thấy, tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu của hai Tổng công ty này chênh lệch “một trời một vực”. Vậy yếu tố khiến việc tiết kiệm này nằm ở đâu, phải chăng nằm ở quy trình xây dựng giá của gói thầu, năng lực của những người tham gia xây dựng giá gói thầu?
Để giải quyết vấn đề này, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tăng cường minh bạch và ứng dụng công nghệ giám sát cần được thực hiện một cách hiệu quả. Chỉ khi nào các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng phối hợp chặt chẽ, chúng ta mới có thể ngăn chặn được tình trạng thổi giá và đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, bền vững.
Đấu thầu trở nên minh bạch hơn với công nghệ AI
Ứng dụng AI trong đấu thầu không chỉ giúp tự động hóa quy trình mà còn tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu gian lận và tối ưu hóa các quyết định đấu thầu. Mặc dù, có một số thách thức khi triển khai, nhưng lợi ích mà công nghệ AI mang lại là rất rõ rệt và sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai của ngành đấu thầu, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả trong việc lựa chọn nhà thầu.
Công nghệ AI có thể giúp tự động hóa các công đoạn trong quy trình đấu thầu, từ việc thu thập và phân loại hồ sơ dự thầu cho đến việc đánh giá và lựa chọn nhà thầu; AI có thể sử dụng các mô hình học máy (machine learning) để phân tích các yếu tố liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, AI có thể giúp phát hiện các hành vi gian lận trong đấu thầu, ví dụ như thổi giá, móc ngoặc giữa các nhà thầu hoặc việc cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ dự thầu; AI có thể phân tích không chỉ khả năng của nhà thầu mà còn tiềm năng rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.
AI không chỉ hỗ trợ trong việc phân tích hồ sơ thầu mà còn có thể giúp cải thiện quá trình thương thảo và đàm phán giữa các bên liên quan; AI còn giúp giảm thiểu sự can thiệp của yếu tố con người, từ đó giảm thiểu nguy cơ thao túng kết quả đấu thầu hoặc móc ngoặc giữa các bên. Quy trình đấu thầu trở nên minh bạch hơn với AI, giúp các nhà thầu có cơ hội công bằng để cạnh tranh.
|
|
Chỉ khi những sai phạm bị phát hiện và xử lý một cách nghiêm khắc, không có vùng an toàn cho bất kỳ ai, thì các đối tượng mới thực sự sợ hãi và không dám tiếp tục lách luật, thao túng kết quả đấu thầu. Ảnh: Lan Anh |
Xử lý nghiêm khắc, không có vùng an toàn cho bất kỳ ai
Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến không ít vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu. Trong đó, nhiều lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan Nhà nước, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp Nhà nước và cả các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân bị khởi tố, kỉ luật, liên quan đến các dự án từ nhỏ đến lớn, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến mua sắm, cung cấp dịch vụ. Các vụ án này thường liên quan đến các tội danh như tham nhũng, đưa hối lộ, nhận hội lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn, lừa đảo hay móc ngoặc thổi giá trong quá trình đấu thầu, qua đó dẫn đến những thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư công. Thậm chí, có những vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu mua sắm nhưng không hiệu quả gây lãng phí đã từng được cơ quan Công an khởi tố như vụ án xảy ra ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang.
Điều đáng lưu ý nữa là, dù đã có những hình phạt nghiêm khắc đối với nhiều lãnh đạo có liên quan, câu hỏi được đặt ra là liệu các vụ việc này có đủ để khiến những người đang tham gia thực hiện hoạt động đấu thầu sợ hãi và ngừng các hành vi sai phạm trong hoạt động đấu thầu không?
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các đối tượng không thực sự sợ là sự tồn tại của lỗ hổng pháp lý. Các quan chức hoặc lãnh đạo cấp cao có thể lợi dụng quyền lực của mình để chi phối đến hoạt động đấu thầu, “bảo kê, che đậy” cho các sai phạm của những cá nhân.
Dù các vụ bắt hay khởi tố lãnh đạo cấp cao có thể có tác động nhất định trong ngắn hạn, nhưng để thực sự ngăn chặn tham nhũng và sai phạm trong đấu thầu, cần có một chiến lược tổng thể bao gồm cải cách quy trình đấu thầu, tăng cường giám sát độc lập và cải thiện hệ thống pháp lý. Chỉ khi những hành vi sai phạm bị phát hiện và xử lý một cách nghiêm khắc, không có vùng an toàn cho bất kỳ ai, thì các đối tượng mới thực sự sợ hãi và không dám tiếp tục lách luật, thao túng kết quả đấu thầu./.