Định hướng hoàn thiện pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW

Thứ tư, 26/07/2023 19:28
(ThanhtraVietNam) - Với quan điểm tiếp cận tổng thể, bao trùm, toàn diện từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết số 27-NQ/TW không chỉ đưa ra cách tiếp cận mới về pháp luật, hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật mà còn đưa ra những đòi hỏi cao hơn đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 27) đề ra mục tiêu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Với quan điểm tiếp cận tổng thể, bao trùm, toàn diện từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết số 27 không chỉ đưa ra cách tiếp cận mới về pháp luật, hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật mà còn đưa ra những đòi hỏi cao hơn đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quan điểm tiếp cận mới về pháp luật, hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Lần đầu tiên Nghị quyết số 27 chỉ rõ 08 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó là: (1) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. (2) Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. (3) Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. (4) Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. (5) Quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. (6) Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. (7) Bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. (8) Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nhà nước đã ký kết hoặc gia nhập, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế. 

Pháp luật, hệ thống pháp luật là đặc trưng cơ bản, là nền tảng, phương thức thiết lập các mối quan hệ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp luật với tư cách một đặc trưng cơ bản, giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện ở nội dung Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật. Có thể hiểu, pháp luật là nền tảng của tổ chức và hoạt động của Nhà nước, là phương thức được Nhà nước sử dụng để quản trị quốc gia, quản lý xã hội. Và trên thực tế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thể hiện đặc trưng thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của mình, trong quản lý xã hội ngay từ khi thành lập, được khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 sửa đổi năm 2001 như một đặc trưng cốt lõi: Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

leftcenterrightdel
GS. TS Võ Khánh Vinh:  "Nghị quyết số 27 đã đưa ra quan điểm tiếp cận mới về pháp luật, hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật"

Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nghị quyết số 27 đã đưa ra quan điểm tiếp cận mới về pháp luật, hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, đó là: Quan điểm tiếp cận tổng thể, tích hợp, bao trùm, toàn diện về pháp luật, hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Quan điểm tiếp cận tổng thể đó được thể hiện cụ thể ở các phương diện tiếp cận cụ thể như: tiếp cận hê hống, tiếp cận quyền lực, tiếp cận đặc trưng, giá trị.

Nghị quyết số 27 tiếp cận đến pháp luật, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật với tư cách là một hệ thống tổng thể, bao trùm, toàn diện, bao quát từ khái quát đến cụ thể, tức là từ quan điểm, mục tiêu, trọng tâm đến nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, từ nội dung đến hình thức, từ các ngành pháp luật vật chất đến các ngành pháp luật tố tụng, tổ chức bộ máy; từ tổ chức đến nhân lực và điều kiện bảo đảm; từ lý luận đến thực tiễn… Nghị quyết số 27 tích hợp tất cả các thành tố đó của pháp luật, hệ thống pháp luật trong một tổng thể thống nhất.

Bên cạnh đó, Nghị quyết giải quyết mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước, tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước và pháp luật mà sự hiện diện tập trung, cao nhất của nó là Hiến pháp. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên chủ nghĩa Hiến pháp của Việt Nam. Đồng thời, thể hiện tư tưởng, quan điểm sử dụng pháp luật với tư cách là một loại quyền lực để tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước: Phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật

Quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhất quán được thể hiện trong Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả rổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Nghị quyết số 27 với quan điểm về hoàn thiện hệ thống pháp luật là tư tưởng chủ đạo cũng nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

leftcenterrightdel
GS.TS. Nguyễn Minh Doan:  "Nghị quyết số 27 đã đưa ra những đòi hỏi cao hơn đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa"

GS.TS.Nguyễn Minh Doan, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, nếu không có pháp luật thì không có Nhà nước pháp quyền, có pháp luật nhưng nếu chất lượng pháp luật thấp, kém hiệu quả, kìm hãm sự phát triển của xã hội, gây nhiều bất lợi cho con người thì cũng không có Nhà nước pháp quyền. Theo ông, Nghị quyết số 27 đã đưa ra những đòi hỏi cao hơn đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng cho thấy, trong giai đoạn mới ở Việt Nam, muốn quản trị đất nước hiệu quả, muốn phát triển nhanh, bền vững và đạt được mục tiêu ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng có hiệu quả những yêu cầu của đất nước. Đồng thời, pháp luật phải là chuẩn mực để Nhà nước tổ chức, hoạt động, quản lý, quản trị xã hội.

Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Minh Doan, để xây dựng pháp luật hiệu quả, chương trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là xây dựng các văn bản luật cần phải bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng; xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam và phải tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chính sách, pháp luật luôn là cái phải đi trước, phải phản ánh được đầy đủ, chính xác tồn tại xã hội hiện hành, dự liệu được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Đưa ra được những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để có được một hệ thống pháp luật với các nguồn luật phù hợp, có tính khả thi và đạt hiệu quả cao, cần phải thường xuyên tiến hành rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, qua đó, có sự nhìn nhận tổng quát đối với hệ thống pháp luật hiện hành nói chung, pháp luật trong từng lĩnh vực nói tiêng, phát hiện những điểm không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chèo và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật để từ đó có biện pháp khắc phục, hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong quá trình xây dựng pháp luật. Bởi hiện nay, vẫn còn một số văn bản được ban hành không đảm bảo tính hợp lỳ, thiếu khả thi và mang tính chủ quan.



Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra