Hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng công chức

Thứ ba, 31/10/2023 08:45
Tuyển dụng công chức ở Việt Nam tuy đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra những vấn đề liên quan đến công tác tuyển dụng công chức. Vấn đề đó, chỉ có thể được chỉ ra qua hoạt động thanh tra công tác tuyển dụng công chức. Trong khi đó, hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng là một trong những yêu cầu quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước xuất phát từ chính nhu cầu quản lý nhà nước và đổi mới trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Thanh tra luôn là một trong những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước; là công tác quan trọng, có tính chất thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo, quản lý; là thiết chế bảo đảm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng công chức hành chính ở Việt Nam trước hết, cần phải quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với tinh thần đó, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra cũng cần bám sát trọng tâm là quán triệt, thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, cần chú trọng cụ thể hóa đầy đủ và phù hợp với các giải pháp nêu tại Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 08/12/2015).

Ngoài ra, giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng công chức cần gắn với các nguyên tắc cơ bản của Đảng, Nhà nước trong quản lý hành chính nhà nước, đó là nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước; pháp chế xã hội chủ nghĩa; tập trung dân chủ; bình đẳng; quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ; quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo chức năng. Đồng thời, gắn với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra; bảo đảm phạm vi, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và đồng bộ với các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường trách nhiệm, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng thanh tra.

leftcenterrightdel
 Kỳ thi tuyển dụng công chức cấp xã thuộc thành phố Bà Rịa năm 2022. Ảnh: vungtau.gov.vn

Nâng cao hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng công chức ở Việt Nam (trong phạm vi nghiên cứu là công chức hành chính) là để các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước về công tác tuyển dụng công chức thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan này.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng công chức chắc chắn sẽ tập trung liên quan đến các giải pháp tác động vào các tiêu chí đánh giá hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng công chức. Theo đó, tiêu chí tác động đến tổ chức bộ máy, nhân sự, các yếu tố đảm bảo cũng như các quy định đều có đối tượng ảnh hưởng là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan thanh tra và người làm công tác thanh tra tuyển dụng công chức. Chính vì vậy, cần phải quán triệt việc tác động đến các đối tượng này không phải là để cản trở các hoạt động bình thường mà trái lại, còn làm cho hoạt động của các cơ quan này thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò được giao theo quy định pháp luật; đảm bảo sự phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng công chức ở Việt Nam cần gắn với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra công tác tuyển dụng; cơ quan chịu sự quản lý, thanh tra. Đây cũng là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình quản lý nhà nước, phù hợp với mục tiêu lấy “con người là trung tâm” và để thực hiện được cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó, lấy công chức thanh tra công tác tuyển dụng công chức là trung tâm của việc hoàn thiện cơ chế này.

Từ những quan điểm nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra công tác tuyển dụng như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về nội dung, quy trình thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức. Theo đó, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi (hoặc thay thế, bãi bỏ) Nghị định số 90/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động thanh tra ngành Nội vụ và Thông tư số 09/2012/TT-BNV về quy trình thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức.

Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác tuyển dụng công chức hiện nay còn một số nội dung chưa thống nhất, thiếu chặt chẽ, hay thay đổi nên trong quá trình thanh tra, có xu hướng áp dụng không thống nhất. Chính vì vậy, để thực hiện một cách nhất quán, nhanh và đầy đủ thì cần xây dựng quy trình chuẩn về thanh tra công tác tuyển dụng công chức hành chính. Trong đó, cũng cần căn cứ pháp luật về nội dung để cụ thể hóa hơn nữa trình tự, thủ tục thanh tra (những trình tự lớn, cơ bản đã được pháp luật hình thức quy định; nhưng để chi tiết hơn, đi đến ngọn ngành công việc, hay nói cách khác, để tìm ra được lỗi và vi phạm thì quá trình tìm kiếm ấy cần căn cứ vào luật nội dung).

Hiện tại, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư này đã thỏa mãn việc điều chỉnh những mối quan hệ chung nhất trong quá trình thanh tra. Tuy nhiên, mỗi một nội dung thanh tra chuyên ngành cần chú trọng những nội dung, lĩnh vực và cách thức triển khai khác nhau. Chính vì vậy, ngoài những điểm mới, tiến bộ tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP thì cần xây dựng quy trình chuẩn về thanh tra công tác tuyển dụng công chức, trong đó chú trọng một số trình tự, thủ tục, cách thức triển khai các cuộc thanh tra công tác tuyển dụng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm thanh tra công tác tuyển dụng công chức. Cần xây dựng công chức thanh tra có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ Nhân dân thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, có hiệu quả. Có cơ chế lựa chọn công chức thanh tra có năng lực chuyên môn cao, dễ thích ứng với sự thay đổi. Đồng thời, quy định hệ thống đánh giá công chức thanh tra công tác tuyển dụng công chức một cách nghiêm ngặt. Chú trọng công tác hướng dẫn nghiệp vụ công chức thanh tra ngành Nội vụ.

Thứ ba, sửa đổi cơ cấu tổ chức bộ máy thanh tra gắn với việc giao bổ sung biên chế công chức thanh tra công tác tổ chức cán bộ. Trong đó, chú ý xây dựng tổ chức cơ quan thanh tra theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; rà soát tổng thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế; kiện toàn đội ngũ công chức, công chức lãnh đạo.

Thứ tư, nâng cao số lượng, chất lượng các cuộc thanh tra công tác tuyển dụng. Các cuộc thanh tra công tác tuyển dụng công chức ở các địa phương, Bộ Nội vụ trong 05 năm (một nhiệm kỳ) cần đảm bảo thực hiện đầy đủ (100%) đối với các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.

Ví dụ tại Thanh tra Bộ Nội vụ, để làm được điều này, trong 05 năm phải tiến hành thanh tra đối với tất cả các cơ quan tiến hành tuyển dụng thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước. Trường hợp tất cả các cơ quan này cùng tuyển dụng trong 05 năm (trường hợp tối đa) thì Thanh tra Bộ sẽ phải thực hiện ít nhất 93 cuộc thanh tra đối với 93 cơ quan (18 bộ, 04 cơ quan ngang bộ, 08 cơ quan thuộc Chính phủ, 63 địa phương); với số lượng 03 phòng và 22 công chức như hiện tại thì trong 01 năm Thanh tra Bộ tiến hành trung bình tối đa 18,6 cuộc và mỗi phòng tiến hành 06 cuộc. Theo đó, để tiến hành 06 cuộc thì trung bình cứ 02 tháng tiến hành một cuộc thanh tra (việc này là không khả thi vì 22 công chức thanh tra này tại các phòng chuyên môn còn phải đảm nhiệm việc khác; mỗi đoàn thanh tra cần 04-05 người trong khi mỗi phòng có 05 công chức nên không thể đưa cả phòng đi thanh tra được). Do đó, để tăng số lượng cuộc thanh tra công tác tuyển dụng công chức thì việc trước mắt có thể thực hiện theo một trong hai giải pháp sau:

1- Tăng số lượng công chức thanh tra tại Thanh tra Bộ để có thể thành lập cùng một lúc nhiều đoàn thanh tra. Ưu điểm là, thực hiện được công việc, đảm bảo sự giám sát của cơ quan thanh tra; đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhược điểm là, cần đợi giao thêm biên chế công chức, tuyển dụng, tiếp nhận người của cơ quan có thẩm quyền.

2- Giữ nguyên số lượng công chức và trưng tập thêm công chức vụ chuyên môn (Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tổ chức Cán bộ) để tham gia Đoàn thanh tra. Ưu điểm là, đảm bảo chất lượng chuyên môn về tuyển dụng là cao (nhưng hạn chế về nghiệp vụ thanh tra; kỹ năng, trình tự triển khai công việc); không làm tăng thêm biên chế của cơ quan, đơn vị. Nhược điểm là, công tác phối hợp còn chưa đảm bảo; tăng thêm khối lượng công việc của các công chức đang làm tại vụ chuyên môn khi vừa phải tiến hành thanh tra, vừa phải giải quyết công việc đảm nhiệm tại vụ. Tương tự, tại thanh tra các Sở, Bộ cũng cần thực hiện với 02 giải pháp nêu trên.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng phát hiện vấn đề qua quá trình thanh tra bằng cách yêu cầu tuân thủ đúng quy trình, thủ tục khi tiến hành thanh tra; lựa chọn nhân sự phù hợp khi tiến hành thanh tra; chú trọng giám sát, đôn đốc thực hiện...

Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và các yếu tố bảo đảm trong công tác thanh tra. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, sớm xây dựng phần mềm quản lý thanh tra công tác tuyển dụng, với một số chức năng như: Quản trị hệ thống, quản lý danh mục, quản lý công việc, quản lý đoàn thanh tra. Đây là giải pháp nhanh nhất và thuận lợi nhất cho công việc, đáp ứng nhu cầu hướng dẫn nghiệp vụ vì các quy trình trực quan, không cho phép công chức thanh tra công tác tuyển dụng bỏ qua (hoặc quên) các bước trong quá trình thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý vấn đề. /.

 

 

 

 

Nguyễn Mạnh Khương
Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra