Kỹ năng xử lý của Trưởng đoàn thanh tra (tiếp theo và hết)

Thứ tư, 19/07/2023 16:28
(ThanhtraVietNam) - Với cơ quan bảo vệ pháp luật, Trưởng đoàn thanh tra cần phối hợp để họ cung cấp thông tin, điều tra, xác minh một nội dung cụ thể nào đó của cuộc thanh tra; phối hợp xử lý các vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra và sau thanh tra

Kỹ năng xử lý của Trưởng đoàn thanh tra

3. Quan hệ trong nội bộ Đoàn thanh tra

Mối quan hệ giữa Trưởng đoàn thanh tra với thành viên Đoàn thanh tra được thể hiện qua các nhiệm vụ sau:

3.1. Về công tác tổ chức Đoàn thanh tra

- Trưởng đoàn thanh tra phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra:

+ Trao đổi, làm công tác tư tưởng với người dự kiến được lựa chọn là thành viên Đoàn thanh tra;

+ Rà soát để phát hiện và trao đổi với người thuộc một trong các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

+ Làm việc với người được dự kiến là thành viên Đoàn thanh tra khi người này tự nhận thấy mình thuộc một trong các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra trước khi quyết định thanh tra được ban hành.

- Sau khi quyết định thanh tra được ban hành, Trưởng đoàn thanh tra họp Đoàn thanh tra để phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, thời kỳ, thời hạn, thời gian, phương pháp tiến hành thanh tra và giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh cho các thành viên Đoàn thanh tra bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện, thời hạn báo cáo.

3.2. Về công tác nhân sự của Đoàn thanh tra

- Trong quá trình tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải thường xuyên rà soát để phát hiện thành viên Đoàn thanh tra thuộc một trong các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra để báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc thay đổi.

- Trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu nhận thấy mình thuộc một trong các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra thì thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo Trưởng đoàn thanh tra để trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

- Khi xét thấy cần thiết, căn cứ vào yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, Trưởng đoàn thanh tra thực hiện các thủ tục cần thiết để đề nghị bổ sung thành viên Đoàn thanh tra sau khi đã trao đổi với người được dự kiến bổ sung vào Đoàn thanh tra.

3.3. Việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra:

- Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;

- Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;

- Lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra để chấm dứt hành vi vi phạm;

- Thành viên Đoàn thanh tra phải chấp hành kỷ luật báo cáo; kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh ngoài nhiệm vụ được giao hoặc cần phải được xử lý ngay để Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, trung thực về nội dung báo cáo.

Trong trường hợp nhận thấy nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra chưa rõ, chưa đầy đủ thì Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu thành viên Đoàn thanh tra bổ sung, hoàn thiện báo cáo.

- Tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra. Thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình trong dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận về nội dung thanh tra; thành viên Đoàn thanh tra được quyền bảo lưu ý kiến về nội dung liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình và các nội dung khác trong dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra trước Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

- Lập, bàn giao hồ sơ thanh tra cho đơn vị lưu trữ theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3.4. Về công tác giám sát

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm theo dõi, thu thập thông tin và phản ánh về việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của thành viên Đoàn thanh tra.

3.5. Các nhiệm vụ khác

Thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra khi được Trưởng đoàn thanh tra giao, như: Công tác văn thư, ghi biên bản cuộc họp...

Qua xem xét mối quan hệ giữa Trưởng đoàn thanh tra với thành viên Đoàn thanh tra thấy:

- Trưởng đoàn thanh tra là thủ trưởng của Đoàn thanh tra; có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra. Để thực hiện được nhiệm vụ của mình, Trưởng đoàn thanh tra phải xây dựng được tinh thần đoàn kết trong đoàn; bản thân Trưởng đoàn thanh tra phải gương mẫu trong công việc, trong ứng xử với thành viên Đoàn thanh tra.

Thành viên Đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn thanh tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để các thành viên khác thuộc Đoàn thanh tra cùng hoàn thành nhiệm vụ.

4. Quan hệ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra

Trong quá trình thanh tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm tham mưu giúp người ra quyết định thanh tra khi tổ chức Đoàn thanh tra, nhân sự tham gia Đoàn thanh tra; thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; thẩm tra báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra; tổng kết hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra được thể hiện qua các mặt công tác sau đây:

4.1. Về công tác tổ chức Đoàn thanh tra

- Tham mưu, đề xuất, chỉ đạo việc thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra; tiếp nhận báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu của người được giao thu thập thông tin, tài liệu (thường là người được dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra và sau đây gọi chung là Trưởng đoàn thanh tra) trình người có thẩm quyền để ban hành quyết định thanh tra.

- Đề xuất cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn, thời gian tiến hành cuộc thanh tra; thành viên Đoàn thanh tra và chuẩn bị dự thảo quyết định thanh tra.

- Tham mưu cho người ra quyết định thanh tra để chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng và thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra khi cần thiết.

- Giúp người ra quyết định thanh tra theo dõi tiến độ cuộc thanh tra; tạo điều kiện thuận lợi để Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Tham dự cuộc họp Đoàn thanh tra để trực tiếp nghe thảo luận báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; tham gia ý kiến vào báo cáo kết quả thanh tra và báo cáo làm rõ hoặc báo cáo bổ sung thêm nội dung của báo cáo kết quả thanh tra (nếu có).

- Thẩm tra và có ý kiến về dự thảo kết luận thanh tra; thực hiện quyền bảo lưu những ý kiến còn khác với dự thảo kết luận thanh tra trong phiếu trình của Trưởng đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

4.2. Về công tác nhân sự của Đoàn thanh tra

- Đề xuất người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và số lượng người tham gia Đoàn thanh tra để người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

- Trao đổi, thống nhất với Trưởng đoàn thanh tra về những người được dự kiến là thành viên Đoàn thanh tra; yêu cầu người được dự kiến là thành viên Đoàn thanh tra chấp hành quyết định, chỉ đạo của mình.

- Đề nghị thay đổi Trưởng đoàn thanh tra kèm theo dự thảo quyết định thay đổi Trưởng đoàn thanh tra và các tài liệu có liên quan (nếu có) trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

4.3. Về công tác giám sát

- Thực hiện việc giám sát các thành viên Đoàn thanh tra thuộc cơ quan, đơn vị mình:

+ Yêu cầu công chức do mình quản lý trực tiếp báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được phân công;

+ Xem xét thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về việc chấp hành pháp luật về thanh tra, việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra của công chức do mình quản lý trực tiếp để áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo người ra quyết định thanh tra xử lý.

- Kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

4.4.  Các nhiệm vụ khác

Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra khi được người ra quyết định thanh tra giao, như:

- Chủ trì cuộc họp để thực hiện việc công bố quyết định thanh tra;

- Làm việc với cơ quan truyền thông và các cơ quan khác có liên quan về hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra;

- Kiểm tra, xác minh, đề xuất, kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan về hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra.

Cùng với người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra là người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra đồng thời là người gắn bó nhất với Trưởng đoàn thanh tra và Đoàn thanh tra từ khi “phôi thai” cho đến khi kết thúc, tổng kết Đoàn thanh tra. Vì vậy, Trưởng đoàn thanh tra phải tuân thủ sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, tranh thủ sự lãnh đạo của thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Trưởng đoàn thanh tra cũng có trách nhiệm trao đổi, phản hồi việc tham mưu, đề xuất, kiểm tra, giám sát của thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra không phù hợp với quy định của pháp luật; không phù hợp với thực tiễn khách quan và tiến độ cuộc thanh tra.

Trong thực tiễn, mối quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra có thể xảy ra 2 trường hợp:

- Vì một lý do nào đó, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra không muốn cuộc thanh tra được tiến hành hoặc có hành vi trì hoãn cuộc thanh tra hoặc cản trở cuộc thanh tra (như: Đối với cuộc thanh tra phức tạp, đòi hỏi phải thu thập thông tin, tài liệu nhưng không đề xuất, chỉ đạo việc thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra; đề xuất nhân sự tham gia Đoàn thanh tra là người không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra...). Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra cần làm việc và trao đổi quan điểm của mình với thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra; nếu không đạt được sự nhất trí, đồng thuận, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý.

- Trưởng đoàn thanh tra lợi dụng thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra để ban hành quyết định thanh tra có nội dung thanh tra không rõ; đưa người thuộc êkíp, bè phái của mình vào Đoàn thanh tra để lạm quyền, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân. Trong trường hợp này, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra cần tỉnh táo, xem xét để phát hiện động cơ không bình thường của Trưởng đoàn thanh tra, báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý trước khi ban hành quyết định thanh tra.

5. Quan hệ với người thực hiện giám sát

Quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra duy trì mối quan hệ với người thực hiện giám sát thông qua các việc sau đây:

- Khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra làm việc và chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra làm việc với người thực hiện giám sát khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về việc vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra.

- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, khách quan thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của người thực hiện giám sát.

- Giải trình và làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của người thực hiện giám sát.

- Phát hiện và báo cáo với người ra quyết định thanh tra trong trường hợp người thực hiện giám sát có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện giám sát.

6. Xử lý các mối quan hệ khác

Khi người ra quyết định thanh tra cho phép, Trưởng đoàn thanh tra được xử lý một số mối quan hệ:

- Mối quan hệ với cơ quan, tổ chức cấp trên của đối tượng thanh tra

Thực tiễn cho thấy, đối với cơ quan, tổ chức cấp trên của đối tượng thanh tra thường phát sinh hai mối quan hệ với Đoàn thanh tra:

+ Cơ quan, tổ chức cấp trên của đối tượng thanh tra có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra; khi đó, họ trở thành đối tượng thanh tra và mối quan hệ phát sinh là quan hệ giữa Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.

+ Cơ quan, tổ chức cấp trên của đối tượng thanh tra có trách nhiệm phối hợp theo đúng quy định của pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của Đoàn thanh tra. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa Trưởng đoàn thanh tra và họ là mối quan hệ phối hợp; Trưởng đoàn thanh tra cần duy trì mối quan hệ trên cơ sở xây dựng lòng tin, hướng tới sự trung thực, khách quan, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thanh tra.

- Với cơ quan bảo vệ pháp luật, Trưởng đoàn thanh tra cần phối hợp để họ cung cấp thông tin, điều tra, xác minh một nội dung cụ thể nào đó của cuộc thanh tra; phối hợp xử lý các vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra và sau thanh tra.

- Với cơ quan chuyên môn, Trưởng đoàn thanh tra cần phối hợp để họ giúp Đoàn thanh tra các văn bản, tài liệu có liên quan đến cuộc thanh tra; khi cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra có thể đề nghị họ tư vấn, giúp thu thập thông tin tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra, xác minh, trưng cầu giám định.

- Với cơ quan truyền thông, Trưởng đoàn thanh tra cần phối hợp để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động thanh tra. Quá trình làm việc cần chú ý phát ngôn, bảo mật thông tin theo quy định./.

TTVCC. Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra