Pháp luật - “Điểm nghẽn của điểm nghẽn” và bài toán đột phá thể chế

Thứ hai, 02/12/2024 08:37
(ThanhtraVietNam) - Pháp luật, thay vì là “chiếc đèn xanh” dẫn đường, đôi lúc lại hóa “đèn đỏ 113 giây" giữa ngã tư ít người qua lại. Khi Thủ tướng Chính phủ gọi đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, phải chăng ông đang ngầm bảo: Đừng để xe thì sẵn, đường thì thông mà luật lại “cấm chạy”!

Khi pháp luật "tắc đường"

 Tại hội nghị toàn quốc về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra một vấn đề trọng yếu nhưng chẳng mấy xa lạ: thể chế và pháp luật hiện đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Nhận định này không chỉ phản ánh những khó khăn tồn tại trong công tác xây dựng, ban hành pháp luật mà còn đặt ra câu hỏi nhức nhối: Tại sao hệ thống pháp luật, vốn được kỳ vọng là "huyết mạch" của quốc gia, lại trở thành chướng ngại?
Đáng chú ý, pháp luật không phải thiếu, mà thậm chí còn… thừa. Nhưng “thừa” không đồng nghĩa với hiệu quả. Một văn bản ra đời không phải chỉ để “đẹp mặt” trên giấy tờ mà phải “đẹp đời” khi áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, có những nghị định, thông tư vừa ban hành chưa ráo mực đã sửa đổi. Không ít chính sách “sống” ngắn hơn cả một mùa xuân. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm xói mòn niềm tin vào tính minh bạch và ổn định của pháp luật.
Để hình dung, hãy tưởng tượng thể chế như dòng nước chảy qua một con kênh. Nếu lòng kênh bị thu hẹp bởi những rào cản từ quy trình cứng nhắc, tư duy bảo thủ và thiếu liên kết giữa các cơ quan, nước chắc chắn sẽ bị tắc nghẽn. Tệ hơn, khi “điểm nghẽn” không được khơi thông, người ta có xu hướng… đắp thêm những con kênh khác thay vì xử lý vấn đề cốt lõi.
Chúng ta đã chứng kiến không ít những quy định mâu thuẫn nhau giữa các bộ, ngành. Một doanh nghiệp muốn đầu tư có khi phải mất hàng năm trời để “chạy” qua mê cung giấy tờ. Để “đột phá” về phát triển kinh tế - xã hội, điều đầu tiên không phải là tăng tốc mà là dọn đường. Pháp luật phải là con đường thẳng, không phải đường vòng đầy ổ gà.

leftcenterrightdel
 

Thể chế cần gì, đổi mới hay cách mạng?
Một vấn đề lớn được Thủ tướng nhấn mạnh là sự thiếu tương xứng giữa nguồn lực đầu tư cho xây dựng pháp luật với yêu cầu thực tiễn. Nói cách khác, chúng ta đang kỳ vọng “đầu ra” chất lượng cao nhưng lại chỉ “đầu tư” ở mức thấp. Một bài toán nghịch lý!
Bên cạnh đó, tư duy làm luật cũng cần thay đổi. Thay vì chỉ tập trung xử lý các vấn đề trước mắt, phải hướng đến tầm nhìn dài hạn, tạo nền tảng pháp lý bền vững. Muốn vậy, việc thu hút trí tuệ tập thể từ các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng.
Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Nhưng ở nhiều nơi, cái dám này vẫn thiếu hoặc bị bó buộc bởi “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”. Chính điều này tạo nên một vòng lặp luẩn quẩn: sai thì sửa, sửa lại sai, và cuối cùng là không dám làm.
Thể chế pháp luật phải là động lực thúc đẩy sự phát triển chứ không phải là “dây cương” cản trở hành trình. Nếu “điểm nghẽn của điểm nghẽn” không được tháo gỡ, mọi nỗ lực cải cách kinh tế sẽ chỉ như một chiếc xe đua mắc kẹt trong bùn lầy.
Pháp luật không cần đẹp trên giấy mà cần “đẹp” trong lòng người dân. Hãy làm pháp luật đơn giản, dễ hiểu, dễ thực thi. Chỉ khi ấy, chúng ta mới thật sự có thể tiến về phía trước, với con đường thông thoáng và niềm tin mạnh mẽ vào sự đổi mới của đất nước./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra