Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới (phần 2)

Thứ hai, 05/06/2023 08:51
(ThanhtraVietNam) - Thực tế cho thấy việc triển khai, thi hành các thiết chế cũng như các điều kiện bảo đảm để người dân tiếp cận pháp luật đang gặp những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục một cách toàn diện và hiệu quả.

Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp cận pháp luật của người dân trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới (phần 1)

Để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong tiếp cận, sử dụng pháp luật để thực thi quyền, nghĩa vụ của mình cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngay tại địa bàn xã, phường, thị trấn Nhà nước từng bước thiết lập và không ngừng hoàn thiện các thiết chế thực thi pháp luật, hỗ trợ người dân thực thi pháp luật. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước tiếp cận pháp luật của người dân có thể áp dụng hiện nay như:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.

Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật. Chú trọng việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua các nhiệm vụ, giải pháp gồm kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng; nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, thành viên của tổ chức mình; nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.

leftcenterrightdel
 Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Ảnh: baochinhphu.vn

Thứ hai, tiếp tục tăng cường năng lực tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, tăng cường năng lực sử dụng quyền và tự bảo vệ quyền của người dân, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tiếp cận thông tin pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân. Cần chú trọng thực hiện việc quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân;  khảo sát nhu cầu, thực trạng sử dụng pháp luật và nội dung, mô hình tiếp cận pháp luật; cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng bằng các hình thức phù hợp giúp người dân chủ động tìm hiểu, khai thác, sử dụng pháp luật; củng cố, nâng cao hiệu quả các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật.

Thứ ba, tăng cường năng lực của các cơ quan, tổ chức có liên quan bảo đảm, hỗ trợ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cần tập trung xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp đối với các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền và đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp. Đối với các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền, nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường tự giám sát, tự kiểm tra, nhất là tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; trao đổi, đối thoại; thực hiện dân chủ; chuẩn tiếp cận pháp luật; củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ tiếp cận pháp luật; phát huy đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); hướng dẫn, hỗ trợ người dân thông tin pháp luật, thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong quá trình các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền thi hành công vụ; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về trợ giúp pháp lý; xây dựng cơ chế thu hút luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật tham gia hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xử lý vi phạm, thi đua, khen thưởng về thi hành pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Cần nghiên cứu nhiệm vụ xây dựng, ban hành Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh để kịp thời thông tin, truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân. Bởi pháp luật hiện hành chỉ mới quy định việc xây dựng, ban hành Thông cáo báo chí đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung vào việc mở rộng mạng lưới các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật, công chứng viên... và phối hợp với các cơ quan nhà nước hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân; vận động người dân và thành viên tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật; tăng cường tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp luật; xã hội hóa nguồn nhân lực, phát huy trách nhiệm xã hội của tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.

Thứ tư, tăng cường điều kiện bảo đảm khả năng tiếp cận pháp luật của người dân (thể chế, cơ chế, chính sách; nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; công nghệ thông tin, chuyển đổi số..), cần chú trọng vào việc hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật (tập trung nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các quy định pháp luật về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng...) và nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài phục vụ hoàn thiện chính sách, thể chế. Bên cạnh đó, cần đề ra giải pháp đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kinh phí, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin bảo đảm các hoạt động của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật (bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị phục vụ các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các chương trình, đề án được giao bảo đảm hiệu quả; quan tâm bố trí kinh phí, tăng cường nguồn lực cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù; đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật; bố trí nguồn lực, đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, thực hiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi./.

Tài liệu tham khảo

1.     Bộ Tư pháp (2020), Báo cáo số 213-BC/BCĐCT32 ngày 10/4/2020 về tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW, Hà Nội.

2.     Bộ Tư pháp (2021), Báo cáo số 321/BC-BTP ngày 31/12/2021 của Bộ Tư pháp về tình hình 03 năm triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Hà Nội.

3.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Hà Nội.

4.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội.

5.     Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 43/CT-TTg nâng cao hơn chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, Hà Nội.

TS. CVC Trần Văn Duy, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp
ThS. TVC Lê Thị Thu, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra