Vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 06/2021/TT-TTCP về thủ tục tiến hành thanh tra

Thứ tư, 19/10/2022 08:41
(ThanhtraVietNam) - Ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số vướng mắc.

Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15/12/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra; Quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10/10/2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra đã bị bãi bỏ sau khi Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2021.

Thông tư số 06/2021/TT-TTCP gồm 07 chương, 52 điều với nhiều nội dung được điều chỉnh, thay thế so với các Thông tư, Quyết định bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư số 06/2021/TT-TTCP, tác giả nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện như sau:

Một là, tại Khoản 2, Điều 45 về Xử lý kết quả thẩm định có quy định “2. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và gửi cho Người ra quyết định thanh tra, người thực hiện thẩm định…”. Nội dung này không có biểu mẫu kèm theo để hướng dẫn xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, trong khi đó các nội dung khác tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP đều có biểu mẫu hướng dẫn kèm theo.

Hai là, tại biểu mẫu số 09/TT - Biên bản giao nhận hồ sơ, tài liệu: Danh mục hồ sơ, tài liệu kèm theo là không cần thiết, vì thời hiệu một cuộc thanh tra thường là 2 năm, cũng có là 3 năm, ví dụ như hồ sơ 1 công trình xây dựng cơ bản sẽ có rất nhiều các văn bản liên quan, do vậy khi bàn giao hồ sơ chỉ cần ghi chung tên hồ sơ đó là gì không cần thiết phải liệt kê các văn bản, tài liệu có liên quan.

leftcenterrightdel
 Kiểm tra hiện trường công trình xây dựng cơ bản. Ảnh: VH

Ba là, tại biểu mẫu số 11/TT - Biên bản kiểm tra, xác minh: Biên bản này nội dung trích yếu là kiểm tra, xác minh chỉ phù hợp với việc kiểm tra, xác minh tại hiện trường các công trình xây dựng cơ bản, không phù hợp khi làm việc với đối tượng thanh tra khi áp dụng biên bản này ở tên gọi. Vì khi làm việc là thống nhất các nội dung thanh tra giữa Đoàn thanh tra và đối tượng được thanh tra chứ để trích yếu là kiểm tra, xác minh là không hợp lí. Hơn nữa biểu mẫu số 11/TT là kiểm tra, xác minh trong khi nội dung làm việc là thanh tra./.

Văn Hải - Thanh tra tỉnh Lào Cai

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra