7 nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của Tuyên Quang

Thứ ba, 27/02/2024 12:12
(ThanhtraVietNam) - Nhằm tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch PCTNTC năm 2024 với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTNTC vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, học viên.

Kế hoạch số 06/KH-UBND về công tác PCTNTC năm 2024 của UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu công tác PCTN của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải được triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo các nội dung sau:

Thứ nhất, xác định rõ nội dung, yêu cầu, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể của  từng nhiệm vụ.

Thứ hai, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTNTC, với phương châm phòng ngừa là chính, tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn, cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự , bối cảnh, xác định rõ nội dung, yêu cầu, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể.

Thứ tư, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm nay gồm:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTNTC;

Hai là, nâng cao trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, tính tiên phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân;

Ba là, tiếp tục rà soát, hệ thống hóa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực để PCTNTC; tổ chức kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản pháp luật về PCTNTC;

Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công vụ;

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản tham nhũng;

Sáu là, tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong giám sát, phản biện xã hội;

Bảy là, các cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTNTC vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, học viên.

leftcenterrightdel
 Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang 

Cùng với đó, một danh mục các nhiệm vụ cụ thể đối với mỗi cơ quan, đơn vị đã được xây dựng và ban hành kèm theo Kế hoạch để thực hiện.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp; phân công cụ thể trách nhiệm và quan hệ phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan; bố trí các nguồn lực phù hợp để bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra của ngành, địa phương, đơn vị mình.

Riêng Thanh tra tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch của các ngành, địa phương, đơn vị; giúp UBND tỉnh tổng hợp tình hình, xây dựng báo cáo công tác này trên địa bàn để báo cáo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo về PCTNTC tỉnh…

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc hiện Kế hoạch này tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; đề xuất xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung trong công tác PCTN thuộc lĩnh vực phụ trách.

Việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tại Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 02/12/2009.

Theo đó, Đề án được thực hiện đối với các trường trung học phổ thông; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan nhà nước; trường thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội.

Tại các trường THPT, bước đầu trang bị kiến thức về PCTN cho học sinh, qua đó nâng cao nhận thức của các em về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh PCTN; xây dựng được thái độ, ý thức đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng cho đối tượng này; tập trung vào nội dung cơ bản của Luật PCTN như khái niệm, nguyên nhân, tác hại của tham nhũng và thái độ, ứng xử của học sinh đối với hành vi tham nhũng.

Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ hỗ trợ tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu, báo cáo viên giúp các Bộ, ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên giảng dạy nội dung PCTN; Bộ Giáo dục và đào tạo, hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên giảng dạy về PCTN trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, trừ các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Các cơ sở giáo dục, đào tạo, trên cơ sở chương trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu tập huấn, tài liệu tham khảo đã được phê duyệt và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, tổ chức xây dựng kế hoạch giảng dạy, biên soạn giáo án, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và tổ chức hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc điểm của cơ sở giáo dục, đào tạo.

Phạm Ngọc Tú

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra