Bộ Tài chính cho biết, luôn chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thường xuyên quán triệt đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, bám sát phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch công tác và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN, lãng phí, tiêu cực, Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để triển khai, thực hiện; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong đó, công tác xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công luôn được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được kết quả như sau:
Về xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong lĩnh vực tài chính - ngân sách
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công... phù hợp với thực tế.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 06 Luật; 09 Nghị quyết; 119 Nghị định; 31 Quyết định và 793 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách như đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua:
(1) Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi);
(2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính;
(3) Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2% (tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội)...
Tham mưu trình Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Công tác xây dựng thể chế, chính sách tài chính - ngân sách đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; đáp ứng yêu cầu về nội dung và tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp, các vấn đề mới của đất nước trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng khá cao, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN); qua đó góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình quản lý, sử dụng NSNN.
Công tác quản lý thu, chi NSNN được tăng cường, đảm bảo tính minh bạch chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Các năm đều đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Quốc hội giao; nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu đạt và vượt dự toán, trong đó, nhiều địa phương thu vượt trên 10% dự toán.
Công tác quản lý chi NSNN tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, nhiệm vụ chi NSNN được bảo đảm theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt tỷ trọng đạt trên 28%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Các bộ, ngành, địa phương đã triệt để tiết kiệm kinh phí NSNN, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về tài chính NSNN; tăng cường kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.
Công tác xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong lĩnh vực tài chính - ngân sách góp phần tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước, doanh nghiệp giai đoạn 2019-2023 trên 359 nghìn tỷ đồng.
|
|
Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Thanh Bình trình bày tham luận tại Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật PCTN do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 24/12/2024. Ảnh: Minh Nguyệt |
Về xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong lĩnh vực quản lý tài sản công
Bộ Tài chính đã chủ trì tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý sửu dụng tài sản công năm 2018, trình Chính phủ ban hành 21 nghị định hướng dẫn Luật Quản lý tài sản công, các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình văn hóa....
Đã ban hành 15 thông tư, trong đó có các quy định về định mức tài sản công, xe công, khoán chi, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu NSNN; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09 ngày 28/3/2023 về việc tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý; phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Đã có văn bản đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương về quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74 của Quốc hội khóa XV; đồng thời nhằm đẩy nhanh việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tổng số cơ sở nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 262,3 nghìn cơ sở; tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên 183 nghìn cơ sở.
Qua công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã kịp thời điều chuyển tài sản dư thừa so với tiêu chuẩn, định mức hoặc không có nhu cầu sử dụng; đồng thời, xử lý, thanh lý, bán số tài sản không còn sử dụng được.
Công tác thẩm định đấu thầu đảm bảo thời gian, quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cạnh tranh trong đấu thầu theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong việc tổ chức đấu thầu, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng tài sản.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả./.