Thanh tra Chính phủ “tuýt còi” thông tư của Bộ Giao thông vận tải

Thứ ba, 22/10/2024 15:25
(ThanhtraVietNam) - Đó là chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn khi cấp giấy phép lái xe, gây lãng phí cho người dân tại Thông tư số 24 áp dụng từ năm 2015.

Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra về thực hiện công vụ tại hai bộ và một tỉnh

Bài 1: 72% phản ánh, kiến nghị bị Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời quá hạn

Bài 2: Điệp khúc “chưa”, “không” trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Giao thông vận tải

Thanh tra lại kết luận thanh tra, Bảo tàng tỉnh Hậu Giang có thêm nhiều sai sót

Công ty Cổ phần công trình 207: Những gói thầu trăm tỷ và sự liên quan đến Tập đoàn Thuận An

Vẫn còn nhiều nghi vấn liên quan tới gói thầu tại PV Power TSC

Kết luận thanh tra về vụ việc "Hiệu trưởng hay là vua" xảy ra tại trường mầm non Ánh Dương

Quy định không cần thiết, làm tăng 350 tỷ đồng trong 2 năm

Thông tư số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2015 (Thông tư số 24).

Trong đó, quy định thành phần hồ sơ cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe phải có giấy khám sức khỏe của người lái xe theo mẫu tại Phụ lục số 02 Thông tư số 24. Cụ thể, có chỉ định “Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra đây là quy định không cần thiết vì kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe.

Do đó, việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.

leftcenterrightdel
Thanh tra Chính phủ kết luận chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong giấy khám sức khỏe khi cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe là không cần thiết. (Ảnh minh họa, ITN)

Đồng tình với nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số chuyên gia cho rằng, quy định nêu trên của Bộ GTVT là không cần thiết. Vì thực tế, khi biết trước được quy định này thì chắc chắn không một người dân nào lại uống rượu, bia trước khi đi xét nghiệm. Tuy nhiên, lúc khác họ lại uống và điều khiển phương tiện giao thông là vi phạm quy định nhưng các cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được các hành vi này.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, trong 2 năm (từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/01/2023), toàn ngành GTVT cấp gần 10 triệu giấy phép lái xe các loại. Tính theo đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm thì chi phí người dân bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe để cấp bằng lái xe khoảng 350 tỷ đồng.

Trong khi đó, Thông tư số 24 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2015 và đến thời điểm hiện tại vẫn còn hiệu lực. Như vậy, trong suốt 9 năm qua, từ tháng 10/2015 đến tháng 11/2024, số tiền người dân phải bỏ ra để làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là rất lớn nếu không được sửa đổi, bãi bỏ kịp thời thì người dân tiếp tục phải chịu chi phí không cần thiết này và vô cùng lãng phí.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi Mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe tại Thông tư số 24, trong đó bỏ chỉ định “Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở” để đơn giản hóa, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện TTHC cấp, cấp đổi giấy phép lái xe.

Làm phát sinh TTHC, vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm

Cũng theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 27/01/2021, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06/7/2015 và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT (Thông tư số 01).

Trong đó, tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 01 quy định người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1, hạng A4, hồ sơ phải có: “Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú, xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 ban hành kèm theo Thông tư này; giấy xác nhận có giá trị 01 năm kể từ ngày ký xác nhận; cá nhân ký tên hoặc điểm chỉ vào giấy xác nhận”.

leftcenterrightdel
Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về thủ tục hành chính trong thông tư là trái Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh minh họa, ITN) 

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Những hành vi bị nghiêm cấm: Quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này”.

Như vậy, việc Bộ GTVT ban hành Thông tư số 01 trong đó yêu cầu đồng bào dân tộc thiểu số phải có giấy xác nhận là người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt là quy định thủ tục hành chính, trái với khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

“Việc quy định này làm phát sinh thêm yêu cầu đối với thủ tục hành hành chính mà không được Luật giao, quy định, là vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”, Kết luận thanh tra số 362/KL/TTCP của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Điều đáng nói, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản đề nghị khắc phục vi phạm nêu trên. Song đến ngày 31/3/2024, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT bãi bỏ nội dung nêu trên, chậm 10 tháng so với quy định tại khoản 1 Điều 125 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ về thời hạn xử lý văn bản trái pháp luật (trong thời hạn 30 ngày).

Từ những khuyết điểm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT “tập trung kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với việc tham mưu, ban hành thêm TTHC không được giao nhiệm vụ trong luật; xây dựng, ban hành công bố một số TTHC có nội dung gây phiền hà, bất tiện, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp”, Kết luận thanh tra nêu rõ./.

Minh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra