Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024, diễn ra chiều ngày 28/5, tại Hà Nội do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Trong khi đó, kinh tế số đóng góp 12% GDP và đến năm 2023 Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính con số này tăng trưởng mạnh, đóng góp 16,5% GDP với tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Chương trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã triển khai thực hiện được 4 năm và bước sang năm thứ 5 với các nội dung, gồm: Khởi động chuyển đổi số; tổng diễn tập chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc thời Covid; xây dựng các nền tảng số quốc gia; phát triển dữ liệu số.
|
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. |
Bước sang năm thứ 5, Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển kinh tế số các ngành; quản trị số và phát triển dữ liệu số.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Do đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Dám ứng dụng, dám đi đầu trong ứng dụng và ứng dụng an toàn sẽ tạo ra sự phát triển và cũng tạo ra sự hoàn thiện công nghệ. Ứng dụng tạo ra sự phát triển của công nghệ vì công nghệ số muốn phát triển thì phải dựa trên dữ liệu số mà dữ liệu số lại chỉ được sinh ra do biến đổi. Chúng ta nên bàn nhiều hơn về việc thay đổi thể chế để mở đường cho sự ứng dụng rộng rãi của các công nghệ số”.
6 giải pháp trọng tâm trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không riêng của Việt Nam. Đây có lẽ là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam hướng tới một tương lai ngày càng tươi sáng.
Chuyển đổi số đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chuyển đổi số được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng… và được đầu tư về cơ sở hạ tầng.
|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Diễn đàn. |
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh, như: Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải…
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra một số hạn chế trong lĩnh vực này. Đó là không phải ai cũng quan tâm đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; cơ chế, chính sách, thể chế thực sự chưa tạo ra một “đường băng” để cho mọi việc cất cánh; hạ tầng số, nền tảng cho tăng trưởng xanh đã có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực chưa thực sự được ưu tiên; còn có những chỉ số còn thấp trên bảng xếp hạng thế giới.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thứ nhất, phải có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về câu chuyện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nghĩa là phải dành sự ưu tiên cho lĩnh vực này và dám “dấn thân” và nếu không “dấn thân” sẽ không có kết quả.
Thứ hai, phải chú trọng đầu tư hạ tầng số, đặc biệt là khu vực có nhu cầu và có ảnh hưởng đến sự phát triển như các khu trung tâm kinh tế của công nghệ. Đồng thời, phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên vì nguồn lực ngân sách không đủ để làm tất cả mọi việc cùng một lúc.
Thứ ba, phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách.
Thứ tư, phải thu hút vốn đầu tư và khả năng cung ứng nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao. Trong đó, Hải Phòng là một trong những địa phương duy trì khá tốt mức thu hút FDI và có nguồn nhân lực dồi dào.
Thứ năm, cần có một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, đặc biệt là những doanh nghiệp startup với tinh thần chấp nhận rủi ro, mạo hiểm.
Thứ sáu, khai thác tận dụng tốt những thành tựu của thế giới thông qua hợp tác quốc tế, qua thu hút những dự án FDI; phát huy vai trò cầu nối của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) là sự kiện thường niên quy mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Chủ đề của Diễn đàn năm 2024 là: “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số”, với 07 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm nền tảng giải pháp số và hoạt động kết nối giao thương. Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia đến từ 17 nền kinh tế trong khu vực, 35 tỉnh thành phố trên cả nước.
|