Nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 27/03/2023 17:00
(ThanhtraVietNam) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể từ khi Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành (ngày 16/6/2022), Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông đã tổ chức quán triệt trong phạm vi toàn tỉnh tinh thần và nội dung của Nghị quyết.

Theo đó, Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông đã giao các cấp ủy Đảng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về các nội dung thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức và người lao động nhận thức được đây là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Quán triệt quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW, đồng thời để phát huy được tiềm năng thế mạnh của tỉnh với quyết tâm chính trị cao trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 52-Ctr/TU ngày 21/12/2022, về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, làm cơ sở để chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, UBND các cấp, các sở ban ngành triển khai thực hiện. Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7121/UBND-NNTNMT ngày 06/12/2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 125-KH/BKTTW ngày 18/11/2022 của Ban Kinh tế Trung ương, yêu cầu hoàn thành trong tháng 12/2022.

Kết quả đạt được từ chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện chủ trương của Đảng từ Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ và các thông tư, nghị định liên quan, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 05/01/2016 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 55, Công văn số 6302/UBND-KTKH ngày 11/12/2018 triển khai thực hiện Nghị định số 116 sửa đổi bổ sung Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Nhìn chung, tính bình quân giai đoạn 2010 - 2020, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt 22%/năm. Tính đến hết tháng 10/2022 dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt 31.172,6 tỷ đồng với hơn 118 nghìn khách hàng, chiếm tỷ trọng 80,12%/tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng  6,50% so với cuối năm 2021.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hiện nay đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến cuối tháng 10/2022 dư nợ đạt 3.581,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 97,66%. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Thực tiễn 14 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, thông qua việc cung ứng nguồn vốn tín dụng, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống của người dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tại Agribank Đắk Nông đạt 11.955 tỷ đồng, trong đó 81% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, với 19.480 khách hàng, tương ứng dư nợ 9.683 tỷ đồng; 75% dư nợ hiện đang cho vay địa bàn nông thôn, tương ứng 8.966 tỷ đồng. Phần lớn dư nợ nông nghiệp nông thôn đầu tư cho ngành trồng trọt, chăn nuôi và thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã và đang đóng góp tích cực đối với nền kinh tế của tỉnh, mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu cho người nông dân, hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài toán đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn một số khó khăn, vướng mắc. Bởi vì nông nghiệp là một trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, mất giá nên người dân sẽ khó khăn trong việc trả nợ, dẫn đến dễ phát sinh nợ xấu, kéo theo khó khăn trong việc vay vốn mới để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thêm nữa, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý, trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp. Các mô hình liên kết số lượng còn ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, tình trạng mất cân đối cung cầu sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thường diễn ra, trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch còn bất cập.

Chính vì thế, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhưng việc đẩy mạnh các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đạt được kỳ vọng. Bài toán đặt ra tại các vùng nông nghiệp, nông thôn không chỉ dành cho những người nông dân mà còn dành cho rất nhiều các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Bởi vì, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao thì mới làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra