Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Hàn Quốc
Đầu thập niên 1950, Chính phủ Hàn Quốc phát hành trái phiếu Xây dựng đất nước - khởi nguồn của thị trường trái phiếu Hàn Quốc (ADB, 2018). Giai đoạn 1950 - 1972, chủ yếu là các trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành theo hình thức riêng lẻ bởi các doanh nghiệp lớn. Giai đoạn 1972 đến giữa thập niên 80, TPDN bắt đầu được phát hành công khai và bảo lãnh bởi các tổ chức tài chính (TCTC).
Khủng hoảng tài chính năm 1997 đã khiến nhiều tổ chức phát hành (TCPH) lớn phá sản, tài sản của tổ chức bảo lãnh và thị trường tài chính bị suy giảm (Hwang, 2016). Nhiều cải cách về cơ sở hạ tầng của thị trường được thực hiện như các tiêu chí xếp hạng tín dụng (XHTD) minh bạch hơn; hệ thống định giá theo giá thị trường (MTM) được áp dụng; cơ quan định giá trái phiếu và cung cấp dịch vụ thông tin được thành lập (Hwang, 2016). Từ đó, cấu trúc thị trường có sự thay đổi đáng kể. Các TPDN không được bảo lãnh và được đảm bảo bằng tài sản (ABS) trở nên phổ biến.
Năm 2000, Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách tập trung vào cải thiện cấu trúc thị trường, bao gồm thành lập hệ thống môi giới (IDB) và các công ty môi giới và giới thiệu các giao dịch hợp đồng mua lại (RP). Ngoài ra, các công ty chứng khoán (CTCK) được yêu cầu báo cáo dữ liệu giao dịch trong vòng 30 phút sau khi thực hiện với Hiệp hội Đầu tư tài chính (KOFIA) và công bố dữ liệu đó ngay lập tức.
Luật về Dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn (FSCMA) được ban hành vào năm 2009 và sửa đổi vào năm 2011, đã cải thiện đáng kể khung thể chế của thị trường TPDN. Cũng trong năm 2011, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, áp dụng cơ chế thành lập công ty quản lý trái phiếu để nâng cao việc bảo vệ nhà đầu tư.
Khi thị trường TPDN siết chặt vào năm 2013, Hàn Quốc công bố kế hoạch bình thường hóa thị trường bằng cách cung cấp lợi ích thuế cho các quỹ đầu tư trái phiếu có lãi suất cao và thúc đẩy các quỹ đầu tư TPDN, ban hành Luật về dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn. Luật này quy định hoạt động liên quan đến thông tin công bố của tổ chức phát hành (TCPH), quy định về định mức tín nhiệm, quy định quy trình về thủ tục cấp phép, hướng dẫn đăng ký, thông tin công bố định kỳ, giấy phép đầu tư, quy định về thuế, quy định về xử lý vi phạm của TCPH và nhà đầu tư. Trong các năm 2013, 2014, 2016 và 2018, quy định liên quan đến đầu tư tài chính; phát hành, bảo lãnh phát hành và công bố công khai thông tin chứng khoán; cho vay và đi vay chứng khoán liên tục được ban hành (ADB, 2018).
Hình 1: Quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp Hàn Quốc
(Đơn vị: tỷ KRW)
(Nguồn: Asianbonsonline)
Với những chính sách này, thị trường TPDN Hàn Quốc đã dần dần trở thành một thị trường có nhiều trái phiếu chất lượng cao và có tốc độ tăng trưởng về quy mô đáng kinh ngạc. Quy mô phát hành tăng gấp hơn 5 lần từ năm 2000 đến năm 2021.
Hình 2: Quy mô giao dịch trái phiếu doanh nghiệp Hàn Quốc
(Đơn vị: tỷ KRW)
(Nguồn: Asianbonsonline)
Giao dịch trên thị trường thứ cấp có biến động mạnh trong giai đoạn 2011 - 2018 và lại có xu hướng tăng trở lại từ 2018 đến nay, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19. Đây là kết quả của một loạt các chính sách tức thời nhằm giữ ổn định cho thị trường TPDN như các gói hỗ trợ từ Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu, các nghĩa vụ trái phiếu có thế chấp chính (P-CBO), hệ thống tái cấp vốn nhanh cho TPDN (Kim, 2020).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Thái Lan
Trước năm 1997, quy mô thị trường TPDN của Thái Lan còn khá nhỏ (ADB, 2012). Cuộc khủng hoảng năm 1997 đã khiến Thái Lan bị mất cân đối trong cấu trúc và hoạt động của thị trường tài chính. Các NHTM ngừng cho vay khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn. Chính phủ Thái Lan muốn tìm kiếm một kênh tài trợ thay thế, đã áp dụng một số biện pháp để thúc đẩy thị trường trái phiếu trong nước, bao gồm sửa đổi pháp lý và cải cách thể chế (Srinopnikom, 2011).
Thị trường vốn của Thái Lan được điều chỉnh bởi các quy tắc và luật lệ do Ngân hàng Thái Lan (BOT), Bộ Tài chính (MOF), Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC), Sàn giao dịch chứng khoán (SET) và Hiệp hội thị trường trái phiếu Thái Lan (ThaiBMA) ban hành và thực thi. Các cơ quan quản lý thị trường liên quan đến quy trình phê duyệt phát hành trái phiếu bao gồm BOT, MOF và SEC.
Việc phát hành và chào bán chứng khoán được điều chỉnh bởi Đạo luật Chứng khoán và Giao dịch ban hành năm 1992. Các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu công khai đều phải được thông qua SEC và phải đáp ứng nhiều điều kiện như được xếp hạng tín dụng (XHTD).
BOT giám sát hoạt động của các doanh nghiệp tài chính ngân hàng trong khi SEC giám sát thị trường chứng khoán. Chức năng giám sát thị trường, kiểm ra và thực thi các quy định của SEC được giao cho ThaiBMA.
Theo quy định, thông tin của tất cả các giao dịch của đại lý phải được báo cáo cho ThaiBMA để công bố trên trang web. Các nhà đầu tư giao dịch trái phiếu đều phải đăng ký và Thai BMA sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư đã đăng ký tuân theo Đạo đức và Quy tắc và Hành vi được thiết lập cho thị trường trái phiếu.
Hình 3: Quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp Thái Lan
(Đơn vị: tỷ THB)
(Nguồn: Asianbonsonline)
Do những biện pháp nhất định được áp dụng, thị trường TPDN Thái Lan bắt đầu có xu hướng phát triển ổn định sau giai đoạn khủng hoảng. Quy mô phát hành TPDN trên thị trường sơ cấp tăng dần đều, từ hơn 140 tỷ THB năm 1997 lên gần 30 lần, đạt mức 3.785 tỷ THB vào năm 2019. Giai đoạn 2019 - 2021, Thái Lan bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 dẫn tới việc phát hành TPDN trở nên hạn chế hơn.
Hình 4: Quy mô giao dịch trái phiếu doanh nghiệp Thái Lan
(Đơn vị: tỷ THB)
(Nguồn: Asianbonsonline)
Quy mô giao dịch TPDN của Thái Lan có xu hướng tăng nhưng không đều. Nhà đầu tư giao dịch TPDN trên thị trường thứ cấp chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư tổ chức (ADB,2018). Ngoài ra, so sánh với quy mô trái phiếu hiện hành thì quy mô giao dịch của TPDN Thái Lan vẫn còn rất nhỏ bé.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên thị trường TPDN, Thái Lan cũng đã ban hành những biện pháp tức thời như Quỹ Bình ổn trái phiếu doanh nghiệp hay những gói cứu trợ trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong nước.
TS. Trần Thị Thu Hiền
Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân