Quyết liệt triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW - Bài học thực tiễn tại Quảng Nam:

Bài 1: Lấy hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác người đứng đầu

Thứ sáu, 11/10/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho thấy nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, qua 09 năm tổ chức thực hiện, yêu cầu lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác người đứng đầu theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 35-CT/TW đã được UBND tỉnh Quảng Nam cụ thể hóa tại Quyết định số 2023/QĐ-UBND ngày 26/9/2023.
leftcenterrightdel
 Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi họp báo chiều ngày 9/10. Ảnh: quangnam.gov.vn

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW

Qua văn bản báo cáo, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chương trình số 32-CTr/TU ngày 30/10/2014 nhằm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 220-KH/UBND ngày 16/01/2015 để thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và Chương trình số 32-CTr/TU.

Theo đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai, quán triệt và ban hành kế hoạch để thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Chương trình số 32-CTr/TU và Kế hoạch số 220- KH/UBND phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý bằng nhiều hình thức.

Các hình thức phong phú, linh hoạt có thể chỉ ra như: Tổ chức hội nghị, lồng ghép với hội nghị tập huấn nghiệp vụ và tuyên truyền phát luật pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ban hành văn bản triển khai quán triệt... Riêng UBND tỉnh đã tổ chức gần 1,6 nghìn lớp với gần 154 nghìn người tham dự để quán triệt, tập huấn kịp thời, đầy đủ, có chất lượng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi họp báo chiều 9/10 tại UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quangnam.gov.vn

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn lồng ghép tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong các cuộc họp giao ban của cơ quan, đơn vị, địa phương; gửi văn bản tuyên truyền, phổ biến trên Hệ thống Quản lý và điều hành văn bản (Q-Office) đến cán bộ, công chức, viên chức.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành 32 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đáng chú ý, thực hiện Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ hỗ trợ cho người thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 và Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND).

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam kịp thời ban hành, sửa đổi Quy chế tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, ban hành 04 quy trình: Tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.

Lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá người đứng đầu

Trả lời ThanhtraVietNam bằng văn bản, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “UBND tỉnh xác định một giải pháp quan trọng mang tính then chốt để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; hằng năm chủ động xây dựng kế hoạch, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền thuộc phạm vi, đơn vị, cấp mình quản lý.”

Nhằm cụ thể hóa tiêu chí đánh giá “lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác” người đứng đầu (Chỉ thị số 35-CT/TW), UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh tham mưu đưa các tiêu chí thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào một nội dung tiêu chí đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với tập thể, cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Qua 09 năm tổ chức thực hiện, các tiêu chí này đã được cụ thể tại Quyết định số 2023/QĐ-UBND ngày 26/9/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Quy định đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

leftcenterrightdel
Các tiêu chí thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nội dung tiêu chí đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với tập thể, cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Theo Quyết định số 2023/QĐ-UBND). 

Đồng thời các tiêu chí thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được đưa vào nội dung tiêu chí trong Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính hằng năm đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (đã ban hành theo Quyết định 1657/QĐ-UBND ngày 07/8/2023 và Quyết định 1941/QĐ-UBND ngày 16/8/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam). 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính đối với các sở, ban, ngành (Ban hành kèm theo Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 16/8/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam) có nội dung thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Bằng việc triển khai hàng loạt các biện pháp quyết liệt nói trên, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Nam đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tổ cáo có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, công tác luân chuyển, bổ nhiệm điều động cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều đưa tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo để xem xét.

Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương, đoàn thể được phát huy. Tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ được thể hiện rõ.

Sự hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của người dân được nâng lên, góp phần hạn chế tình trạng bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức công dân định kỳ 13.321 cuộc/25.371 lượt/28.545 người được tiếp; tiếp công dân thường xuyên 86.156 cuôc/96.285 lượt người được tiếp.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh tuân thủ nghiêm về quy định tiếp công dân định kỳ, trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh ít nhất 01 ngày trong tháng. Qua tiếp công dân, các cơ quan hành chính đã ban hành 3.531 văn bản kết luận, chỉ đạo giải quyết, giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng tham mưu giải quyết.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 3.630 đơn/3628 vụ việc khiếu nại, 402 đơn/435 vụ việc tố cáo, 55.178 đơn kiến nghị, phản ánh; thụ lý giải quyết 3958 đơn/3989 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã xử lý, giải quyết xong, không còn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Toàn tỉnh tiến hành 575 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo tại 887 cơ quan, đơn vị, đã xử lý kiểm điểm trách nhiệm 181 tập thể và 120 cá nhân. Qua thanh tra, các cơ quan, đơn vị, địa phương được thanh tra đã chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Thông tin với ThanhtraVietNam, ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố và Ban Tiếp công dân tỉnh tiến hành rà soát, đề xuất chỉ đạo xử lý đối với các vụ việc có yếu tố đông người, phức tạp.

Ông Tiến khẳng định: Trên địa bàn tỉnh đến nay không có vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, phức tạp. Tuy nhiên, có một số trường hợp người dân tụ tập đông người kéo đến Trụ sở Tiếp công dân tỉnh nêu kiến nghị, phản ánh liên quan đến những khó khăn vướng mắt đối với một số Dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh.

Mở rộng thành phần đối thoại, triển khai phần mềm tiếp công dân và quản lý đơn thư tới cấp xã

Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh: UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng ngừa phát sinh và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chương trình phối hợp về thực hiện và giám sát công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân trên địa bàn tỉnh giữa các cơ quan Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam - Thanh tra tỉnh - Sở Tư pháp - Hội Luật gia - Đoàn Luật sư tỉnh.

Đáng chú ý, thông qua Chương trình này, Quảng Nam đã có cách làm mới trong việc mở rộng thành phần tham gia đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính thông qua việc mời đại diện Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam, cơ quan Tư pháp, tổ chức Hội Luật gia cùng cấp tham gia tất cả các buổi đối thoại trong giải quyết các vụ việc khiếu nại theo thẩm quyền. Nhờ có ý kiến chuyên môn, tư vấn về mặt pháp lý ngay từ đầu, cũng như sự tham gia vào việc giải quyết, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chất lượng và hiệu quả công tác các mặt công tác này được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được quan tâm kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.

Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường.

Phần mềm Tiếp công dân và quản lý đơn khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh (tại địa chỉ: https://quanlydon.quangnam.gov.vn) vào nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai đến tận các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Đây là điểm mới, đáng nghiên cứu, học tập và nhân rộng trong phạm vi toàn quốc, thể hiện sự quyết liệt trong ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Quảng Nam. Tuy nhiên, kết nối cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ tỉnh lên đến Thanh tra Chính phủ và trong phạm vi toàn quốc chưa thể thực hiện nên đã hạn chế việc khai thác hiệu quả của phần mềm này.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW có thể khẳng định, tại Quảng Nam trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Chế độ tiếp công dân định kỳ, đột xuất của thủ trưởng các cấp, các ngành được thực hiện nghiêm;

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng tốt hơn. Công tác đôn đốc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận và quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực đã được quan tâm thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được củng cố, tăng cường, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(Còn nữa)

Minh Phương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra