Bài học kinh nghiệm về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân ở Quảng Ninh

Thứ bảy, 13/07/2024 07:05
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo là một trong những bài học được Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh rút ra qua 05 năm thực hiện Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân.

Hiệu quả từ thực hiện trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy ở Sa Pa

Xử lý thấu đáo tại cơ sở sẽ tạo đồng thuận của Nhân dân

Yêu cầu thanh tra việc cấp “sổ đỏ”, tách thửa ở Đông Triều, Quảng Ninh

Ngành Thanh tra triển khai năm nhiệm vụ trọng tâm trong sáu tháng cuối năm 2024

Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (sau đây viết tắt là Quy định số 11) đã nêu, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện mỗi tháng tiếp dân ít nhất 1 ngày, cấp xã ít nhất 2 ngày và tiếp dân đột xuất khi có vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau hoặc vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy trong một buổi tiếp công dân. Ảnh: Thái Minh 

Không có vụ việc đã giải quyết mà vẫn khiếu nại, tố cáo

Theo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh với vai trò là Bí thư Ban cán sự đảng đã nghiêm túc chấp hành các quy định về tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy theo Quy định số 11.

Số liệu thống kê cho thấy, ngoại trừ 2 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian từ 18/2/2019 đến 31/12/2023, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện tiếp dân định kỳ 56 cuộc/56 tháng với số lượt công dân được tiếp là 4.981 người, trong đó có 248 đoàn đông người và 3 vụ việc thuộc diện phức tạp, kéo dài.

Năm 2019 qua rà soát trên địa bàn tỉnh có 03 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài gồm: Vụ việc tranh chấp đất đai giữa 2 công dân ở huyện Ba Chẽ; vụ tranh chấp giữa 2 công dân ở thành phố Cẩm Phả và vụ việc Công ty bất động sản Hải Phòng ở huyện Vân Đồn. Đến năm 2023 đã chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm không còn phức tạp, kéo dài theo tiêu chí tại Kế hoạch số 363 của Thanh tra Chính phủ.

Giai đoạn 2019 - 2023, trong số 12.859 đơn thư được UBND tỉnh tiếp nhận, xử lý, có 1.003 vụ việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết; đến tháng 5/2024 chỉ còn 14 vụ việc đang giải quyết.

Đối với những trường hợp giải quyết quá thời hạn do nguyên nhân giãn cách xã hội, khó khăn trong tập hợp hồ sơ, tài liệu, công dân xin hoãn lịch làm việc…các sở, ngành tham mưu đều có văn bản thông báo, xin lỗi công dân đảm bảo quy định.

Một thông tin đáng mừng là, trong số 989 vụ việc đã được giải quyết không có vụ việc tiếp tục khiếu nại, tố cáo; chưa phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo hoặc vi phạm quy định về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Còn địa phương chậm thực hiện chỉ đạo giải quyết khiếu nại

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Chiến, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật cần xây dựng phần mềm hệ thống thông tin, theo hướng tin học hóa từ Trung ương đến địa phương để đồng bộ hóa, phục vụ quản lý, theo dõi kết quả giải quyết.

Đồng thời có chính sách cụ thể hơn về tổ chức bộ máy, nhân sự phù hợp với cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng vì công việc để sắp xếp, bố trí đủ số lượng, đúng người có trình độ, năng lực phù hợp.

Đặc biệt, cần xác định rõ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là môi trường rèn luyện, thử thách để trau dồi, nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ để phát triển sự nghiệp.

Khẳng định không có hạn chế, bất cập trong Quy định số 11 nhưng Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn tại, đó là:

Một là, hệ thống chính trị cấp cơ sở vẫn còn có nơi, có đơn vị chưa chú trọng nhiều đến tuyên truyền, vận động người dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết chưa triệt để dẫn tới khi công dân có đơn gửi đến cấp tỉnh, các cơ quan tham mưu cấp tỉnh sau khi xem xét lại quy trình giải quyết đã kiến nghị UBND tỉnh trả lại vụ việc cho địa phương tiếp tục xem xét, giải quyết đúng quy trình và đầy đủ các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị của công dân.

Hai là, thời hạn giải quyết khiếu nại của một số vụ việc ở cấp huyện kéo dài, chưa đảm bảo thời hạn theo quy định.

Ba là, việc tổ chức đối thoại với công dân ở một số nơi có lúc chưa được đảm bảo về mặt trình tự và thành phần ảnh hưởng tới quá trình giải quyết, công dân phải đi lại nhiều lần; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, văn bản chỉ đạo giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh đã có hiệu lực pháp luật tại một số địa phương còn chưa kịp thời dẫn đến công dân tiếp tục có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng.

Bốn là, còn tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh và gửi đơn vượt cấp lên Trung ương; nhiều vụ việc đông người, phức tạp đã được các cấp chính quyền xem xét, đối thoại giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn thường xuyên tụ tập tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh đồng thời gửi đơn thư tới rất nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh và Trung ương.

Năm là, việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, văn bản chỉ đạo giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh tại các địa phương đã từng bước được khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn thấp, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra hàng năm là trên 90%.

leftcenterrightdel
Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Chiến. Ảnh: Thái Minh 

Bài học kinh nghiệm

Qua 05 năm thực hiện Quy định số 11, từ thực tiễn địa phương, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua thực tế cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền đối với công tác này thì nơi đó tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo có những chuyển biển tích cực.

Phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, sự đổi mới, sáng tạo trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cơ sở các quy định của Trung ương và pháp luật.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân.

Thứ ba, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân từ huyện đến xã.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, đầu tư, xây dựng, tài chính, chính sách xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; giải quyết kịp thời các quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thường xuyên đến mọi đối tượng.

Hoạt động này không chỉ để Nhân dân hiểu, biết được quyền và trách nhiệm của mình mà còn nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra