5 lưu ý và 3 khuyến cáo của Cục ATTP về quảng cáo, bán thực phẩm online

Thứ sáu, 16/04/2021 15:23
(ThanhtraVietNam) - Trước tình hình nhiều dấu hiệu, hành vi quảng cáo, buôn bán thực phẩm không rõ ràng, sai sự thật, thổi phồng công dụng...trên thị trường, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Cục ATTP) đã có 5 lưu ý và 3 khuyến cáo với người tiêu dùng. Đồng thời, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định siết chặt quảng cáo thực phẩm, trong đó, tăng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng thanh tra chuyên ngành.

Xuất hiện tình trạng thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định

Theo nhận định của cơ quan chức năng, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

leftcenterrightdel
 Người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ảnh: O.H

 

Lưu ý và khuyến cáo từ Cục An toàn thực phẩm

Trước tình hình trên, Cục ATTP nhận định, có tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế. Tiếp đó, có hành vi gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏeoặc gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Do vậy, Cục ATTP khuyến cáo người dân cần lưu ý 5 điểm trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thứ nhất, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Thứ hai, tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/  trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

Thứ ba, đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

Thứ tư, chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất  sản phẩm rõ ràng;

Thứ năm, mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Phạt đến 30 triệu đồng hành vi quảng cáo thực phẩm mô tả có tác dụng điều trị bệnh

Mới đây, 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với  hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mức xử phạt được quy định cụ thể sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng quy định dòng chữ và không đọc hoặc đọc không rõ ràng nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Tiếp đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường...

Đối với các hành vi: Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh hay quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, các hành vi vi phạm tùy mức độ sẽ bị xử lý bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả./.

Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/3/2021, thẩm quyền xử phạt của Thanh tra cũng được tăng lên. Cụ thể Điều 65 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền từ phạt cảnh cáo đến phạt tiền đến 500.000 đồng; Chánh Thanh tra cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh Thanh tra Cục Hàng hải, Chánh Thanh tra Cục Hàng không, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế...có quyền: Từ phạt cảnh cáo, đến phạt tiền tới 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo. Tiếp đó, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền: Từ phạt cảnh cáo đến phạt tiền tới 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo. Tương tự, Chánh Thanh tra cấp bộ, Tổng cục trưởng hoặc cục trưởng một số Tổng cục và cục chức năng có quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.

 

 

 

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra