|
|
Công tác chuyển đổi số quốc gia và đề án 06/CP được triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh An Giang. |
Đảm bảo dữ liệu dân cư được “đúng, đủ, sạch, sống”
Theo UBND tỉnh An Giang, Đề án 06/CP là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý công dân. Với vai trò thường trực tổ công tác trong tham mưu triển khai Đề án 06/CP, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là rà soát, xác thực dữ liệu dân cư; thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì và đảm bảo dữ liệu dân cư được “đúng, đủ, sạch, sống”.
|
|
Công dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang. Ảnh: AGO |
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh được xây dựng tập trung, thống nhất tại địa chỉ: https://dichvucong.angiang.gov.vn và đáp ứng các tính năng, chức năng và yêu cầu kỹ thuật; cung cấp đầy đủ thông tin TTHC của các cơ quan, đơn vị. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh (2.110 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Số lượng tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 86,5% (249.491/288.429 hồ sơ).
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 75,93%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử đạt 79,82%. Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến 58,56% (154/263 thủ tục). Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đối với 25 dịch vụ công thiết yếu đạt 53,25% (371.997/698.550 hồ sơ); trong đó, 7/25 dịch vụ công tỷ lệ tiếp nhận 100% trực tuyến.
|
Ngày 14/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký ban hành Công văn 1094/UBND-TH chỉ đạo việc đẩy mạnh hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới. Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các cơ quan đơn vị khẩn trương thực hiện, ưu tiên nguồn lực triển khai có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội, các kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản 681/UBND-TH, ngày 27/5/2024 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh thực hiện nghiêm túc trong công bố, công khai thủ tục hành chính và các nội dung tại Văn bản 634/UBND-TH của UBND tỉnh về về triển khai một số nội dung, giải pháp đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (15 giải pháp); Văn bản 761/UBND-TH của UBND tỉnh về đôn đốc thực hiện Đề án 06 và Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024. Triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung tại Văn bản 1085/UBND-TH của UBND tỉnh về triển khai thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
|
Theo Sở Tư pháp, thực hiện số hóa sổ hộ tịch, đã cập nhật vào hệ thống hộ tịch 2.566.448/2.695.002 dữ liệu, đạt tỷ lệ 95,22% (dự kiến sẽ hoàn thành 100% trong năm 2024).
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đến nay đã triển khai thực hiện ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, kết quả tổng dữ liệu không gian là 1.276.835 thửa, dữ liệu thuộc tỉnh là 748.699 thửa; thực hiện ký sổ địa chính là 748.699 thửa, đạt tỷ lệ 61,90% so thiết kế được duyệt...
Kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với 8 bộ, ngành
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, về hạ tầng, dữ liệu, tỉnh triển khai hệ thống Internet và đường truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước kết nối thông suốt từ cấp tỉnh, huyện, xã, phục vụ hoạt động trên môi trường mạng. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với 8 bộ, ngành và triển khai 8/25 dịch vụ công thiết yếu: Đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn...
Đặc biệt, đến nay đã có 10/42 mô hình điểm tại Đề án 06/CP được triển khai. Trong đó, Công an tỉnh thực hiện 3 mô hình về thông báo lưu trú qua phần mềm ASM (tại các cơ sở khám, chữa bệnh; nhà nghỉ, nhà cho thuê, cơ sở kinh doanh lưu trú) và 2 mô hình về đảm bảo điều kiện công dân số và tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm qua ứng dụng VNeID. Sở Y tế thực hiện 1 mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân và VNeID. Sở Tư pháp triển khai mô hình tại các điểm công chứng, chứng thực. Sở Thông tin và Truyền thông triển khai 3 mô hình: Lưu trữ, chứng thực các giấy tờ tài liệu điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) tham gia môi trường số; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP); xây dựng tối thiểu 20 dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy.
Đường truyền Internet và hệ thống đường truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước kết nối thông suốt từ cấp tỉnh, huyện, xã phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên môi trường mạng. Hệ thống Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; Internet di động phủ sóng 100% khóm, ấp; 100% khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ quản lý, điều hành; 100% cơ quan Nhà nước có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Còn tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã triển khai thử nghiệm nền tảng giám định sinh vật gây hại trên cây trồng đạt hiệu quả. Đã lắp đặt 4 trạm khảo sát giám định sinh vật gây hại (trên cây lúa tại xã Núi Tô (huyệnTri Tôn) và xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn); trên cây sầu riêng tại xã Bình Chánh (huyện Châu Phú); trên cây xoài tại xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới). Hỗ trợ dự báo dịch hại nhanh chóng và chính xác hơn, giúp nông dân kịp thời quản lý và phòng trừ sinh vật gây hại hiệu quả, tiết kiệm.
Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai Đề án 06/CP. Triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ: Pháp lý; hạ tầng công nghệ; dữ liệu; an ninh, an toàn, bảo mật; nguồn lực trong triển khai Đề án 06/CP. Đôn đốc các sở, ngành tập trung thực hiện hiệu quả các mô hình tại Đề án 06/CP. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhất là phát triển kinh tế số; lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số...