Chiều ngày 24/5, tại Hà Nội, Viện Goethe Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề “Báo chí giải pháp trong phát triển bền vững” với sự tham gia của một số diễn giả là các nhà báo, đạo diễn nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động báo chí, truyền thông gắn với phát triển bền vững.
Theo một số nghiên cứu, giải pháp báo chí là một cách tiếp cận để đưa tin tập trung vào các câu trả lời cho các vấn đề xã hội cũng như những vấn đề bản thân. Các câu chuyện về giải pháp, được được củng cố bằng các chứng cứ đáng tin cậy, giải thích cách thức và lý do tại sao các phản ứng hoạt động hiệu quả hoặc không hiệu quả. Mục tiêu của cách tiếp cận báo chí này là mang đến cho mọi người cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề này, giúp thúc đẩy quyền công dân hiệu quả hơn.
Theo diễn giả Nhung Nguyễn, trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dựa vào bằng chứng, mà không ca tụng chúng.
|
|
Các diễn giả tại Hội thảo là những nhà báo, đạo diễn phim tài liệu có nhiều kinh nghiệm trong đưa tin về các vấn đề bền vững tại Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Báo chí giải pháp có thể được nhìn nhận là những bài điều tra về giải pháp, được thực hiện với tiêu chuẩn báo chí cao nhất: Chúng ta thực hiện đầy đủ các thao tác, nguyên tắc khi như khi làm báo chí vấn đề, với các câu chuyện, nhân vật, bằng chứng, dữ liệu, nhận định chuyên gia và phản biện đa chiều…
“Nếu báo chí tập trung về vấn đề thường xoay quanh các câu hỏi như ai, cái gì, vì sao, khi nào, ở đâu, bằng cách nào, báo chí giải pháp đặt thêm một câu hỏi khác: What's next - rồi sao? Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau những vấn đề đó?”, diễn giả Nhung Nguyễn nhấn mạnh.
|
|
Hội thảo thu hút nhiều nhà báo tham dự. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Tại Hội thảo, nhà báo Đinh Đức Hoàng và đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Tài Văn, nhà báo Trần Lệ Thùy với những kinh nghiệm trong việc đưa tin các dự án dài hạn về các vấn đề bền vững tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về báo chí giải pháp. Đó là việc đưa tin một cách tận tâm, đưa cho khán giả một cái nhìn công tâm và tổng quan nhất về các giải pháp phát triển bền vững.
Đặc biệt, nhiều nội dung các nhà báo tham dự quan tâm đã được các diễn giả trao đổi, thảo luận, như: Làm thế nào để thực hiện một bài báo về giải pháp; làm sao nhà báo đảm bảo được tính khách quan khi viết bài về sự kiện nhưng vẫn đảm bảo tính sáng tạo; kỹ năng để nhà báo không chỉ tường thuật lại, nêu lại ý kiến của chuyên gia mà còn đề ra giải pháp giải quyết vấn đề... Đây thực sự là những kinh nghiệm hữu ích giúp các nhà báo tham dự Hội thảo nâng cao kiến thức, học hỏi được những kỹ năng, kinh nghiệm giúp triển khai hiệu quả các đề tài báo chí trong thời gian tới, nhất là báo chí giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững.
Hội thảo có sự đồng hành, tham gia của các tổ chức hoạt động hướng tới sự phát triển bền vững, các tổ chức sẵn sàng chia sẻ, cung cấp thông tin, thúc đẩy hoạt động tuyên truyền để báo chí giải pháp hướng đến phát triển bền vững như:
Trung tâm hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub)
Là một Tổ chức Khoa học Công nghệ thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA). GreenHub được chính thức thành lập vào ngày 15 tháng 3 năm 2016, bởi nhóm sáng lập viện cùng chí hướng và nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý các dự án phát triển cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực và vận động chính sách.
Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet)
GreenViet, tên đầy đủ là Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh, thành lập vào ngày 4 tháng 10 năm 2012 tại thành phố Đà Nẵng. Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực Bảo tồn đa dạng sinh học khu vực miền Trung - Tây Nguyên. GreenViet hoạt động ở 03 lĩnh vực chính: (1) Nghiên cứu về đa dạng sinh học nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ hoạt động bảo tồn ở miền Trung - Tây Nguyên; (2) Truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức của công đồng về Bảo tồn Đa dạng sinh học, (3) Vận động chính sách, cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, báo chí, các tổ chức liên quan với mục tiêu huy động sự tham gia của cả cộng đồng vào hoạt động bảo tồn.
Think Playgrounds
Think playgrounds (TPG) là một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh vận động cho "Quyền được chơi" của trẻ em, thông qua việc cùng các đối tác đa ngành, các chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư xây dựng sân chơi, không gian xanh, không gian công cộng sinh thái và bên vững.
TPG được thành lập từ 2014 như một nhóm tình nguyện và trở thành doanh nghiệp xã hội năm 2017. Cho đến năm 2023, TPG cùng các đối tác đã xây dựng hơn 240 sân chơi công cộng và vườn cộng đồng trên cả nước, thử nghiệm mô hình sân chơi phiêu lưu và Công viên rừng đầu tiên ở Việt Nam, tổ chức hơn 30 sự kiện chơi trên phố, ngày vui chơi, chơi tái chế... ở Hà Nội và TP.HCM. TPG đã thực hiện hơn 120 sân chơi cho các trường học tư nhân, trang trại giáo dục và các khu đô thị mới. 50% lợi nhuận trong mảng kinh doanh được sử dụng để duy trì các sân chơi công cộng trong thành phố.
|