Thành phố Hồ Chí Minh:

Nâng cao vai trò giám sát của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý xây dựng

Thứ hai, 14/10/2024 09:40
(ThanhtraVietNam) – Đó là yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ tại buổi giám sát việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố (TP).

Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quảng cáo thực phẩm chức năng

Công trình vi phạm về trật tự xây dựng giảm hơn 80%

Tại buổi giám sát mới diễn ra, còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường, cùng các sở, ngành có liên quan.

Báo cáo kết quả trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP (từ năm 2021 đến 6/2024), thể hiện: Trong thời gian qua công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản triển khai, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP, được UBND TP tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng tổ chức các hội nghị trực tuyến; ban hành các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo nhằm đề ra các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Định kỳ hằng năm, UBND TP ban hành các kế hoạch thực hiện quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn TP. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thi hành các quy định trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ, thường xuyên các thông tin liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng.

TP đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đất đai, xây dựng trên địa bàn. Riêng đối với công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực quy hoạch, đất đai liên quan đến công trình xây dựng vi phạm, giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị được giao đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác cấp Giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng, việc chấp hành các quy định pháp luật nhà nước về quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP từng bước được cải thiện, có chuyển biến tích cực. Sau 5 năm (15/6/2019 - 30/6/2024) thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TP là 3.085 công trình; bình quân 1,7 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 80,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU là 8,5 vụ/ngày.

leftcenterrightdel
Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát (Ảnh: TU.TPHCM)

Rà soát quy hoạch nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, UBND TP luôn quan tâm thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về quản lý trật tự xây dựng đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng nhằm kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng theo Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng ghi nhận những nỗ lực của UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức đã phấn đấu thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng lưu ý cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc tồn tại kéo dài trong thời gian qua; đồng thời, đề nghị UBND TP cần phải tập trung rà soát, thống nhất, chỉ đạo tháo gỡ, cũng như kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ nội dung còn vướng mắc.

Đối với công tác quy hoạch, đất đai, tiếp tục rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao để đảm bảo đồng bộ, thống nhất; kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân về tách thửa, hợp thửa, cấp giấy phép xây dựng.

Cùng với đó là khẩn trương ban hành các văn bản nhằm thống nhất trong công tác quản lý và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác cấp phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ngành, quận, huyện trong công tác quản lý xây dựng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy đinh, quy chế về phân cấp, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Chủ tịch HĐND TP yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, công khai, minh bạch; tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc tiếp nhận và xử lý, phản hồi thông tin vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; nâng cao vai trò giám sát của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện công tác quản lý xây dựng.

Đình Thuyết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra