Công tác tổ chức tiếp công dân và giải quyết KNTC phải đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan. Kịp thời nắm bắt tình hình và có biện pháp hữu hiệu để xử lý tình huống đối với các đoàn đông người đến KNTC; nhất là không để các vụ việc trở nên phức tạp, công dân bức xúc, gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương hoặc kéo ra thành phố Hà Nội để khiếu kiện trước, trong và sau thời gian diễn ra Kỳ họp.
Ban Tiếp công dân tỉnh bố trí cán bộ, công chức thường xuyên trực tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh để tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân trong thời gian diễn ra Kỳ họp.
Đồng thời, tăng cường phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa Ban Tiếp công dân tỉnh với đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh. Phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố gây mất an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh. Đối với các vụ việc đông người, phức tạp, bức xúc cần chủ động, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có công dân khiếu kiện, đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
Thanh tra tỉnh có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức thực hiện việc tiếp công dân và giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật; nhất là đối với các địa phương thường xuyên có phát sinh những vụ việc phức tạp, kéo dài; không để phát sinh “điểm nóng” khiếu kiện.
Mặt khác, phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh rà soát các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài phát sinh trên địa bàn tỉnh để thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động công dân chấp hành theo đúng quy định của pháp luật. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác vận động công dân Bình Định tập trung khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự tại Thành phố Hà Nội trở về địa phương khi có yêu cầu.
Công an tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và Trụ sở Tiếp công dân của huyện, thị xã, thành phố. Chỉ đạo lực lượng trực thuộc và Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm chắc tình hình khiếu kiện đông người để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phức tạp, ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng, kích động những người khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đối với các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, tổ chức tiếp công dân tại nơi tiếp công dân của đơn vị theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và các Văn bản hướng dẫn thi hành; cử đại diện tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh khi có yêu cầu. Đặc biệt, cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân theo thẩm quyền và các vụ việc được Chủ tịch UBND tỉnh giao; phối hợp Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh và Ban Tiếp công dân tỉnh trong việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp.
Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất; xử lý kịp thời đơn KNTC của công dân, đảm bảo quyền KNTC của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình KNTC trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo, xử lý; tăng cường đối thoại công khai, dân chủ, tôn trọng lắng nghe các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân và giải quyết theo quy định của pháp luật ngay từ khi phát sinh ở cấp cơ sở, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp nhằm hạn chế công dân khiếu kiện vượt cấp lên cấp trên hoặc tập trung đông người tại Thành phố Hà Nội./.