Ngân hàng Nhà nước:

Công tác thanh tra, giám sát góp phần bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng

Thứ hai, 24/01/2022 14:13
(ThanhtraVietNam) - Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội, toàn hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (TTGSNH) đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch; tích cực triển khai công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Công tác thanh tra có sự gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát ngân hàng

Công tác thanh tra tiếp tục được đổi mới theo hướng thanh tra toàn diện pháp nhân, kết hợp với thanh tra chuyên đề, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, hướng tới tập trung hiệu quả nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực và sai phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm của TCTD.

Qua công tác thanh tra, TTGSNH đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm trong hoạt động của các TCTD; từ đó đưa ra những kiến nghị, khuyến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng để duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng, thúc đẩy các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Công tác thanh tra có sự gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát ngân hàng. Theo đó, công tác giám sát ngân hàng đã bám sát, tham mưu xử lý được những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng đến việc giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD.

Hoạt động giám sát ngân hàng đã phân tích, đánh giá các vấn đề, rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các TCTD để kịp thời đưa ra các văn bản chấn chỉnh, cảnh báo và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD nhằm yêu cầu TCTD tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, xử lý, giảm thiểu rủi ro và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Qua công tác giám sát ngân hàng đề xuất thanh tra pháp nhân, thanh tra chuyên đề (theo kế hoạch hoặc đột xuất) đối với các đối tượng có tình hình tài chính yếu kém, nợ xấu cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tồn tại kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.

leftcenterrightdel
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh minh họa: kinhtechungkhoan.vn

Hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu hỗ trợ còn hạn chế

Mặc dù vậy, một số một số cuộc thanh tra ban hành Kết luận còn chậm so với thời hạn quy định; việc triển khai các cuộc thanh tra trong năm 2021 chưa bảo đảm tiến độ đề ra, dẫn đến phải điều chỉnh Kế hoạch Thanh tra (KHTT).

Hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, phương tiện hỗ trợ thanh tra, giám sát còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong khi hệ thống TCTD đã và đang đẩy mạnh ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 trong hoạt động, dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra, giám sát một số nội dung hoạt động chưa cao, một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn chưa phát hiện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng có diễn biến phức tạp, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội gây ra tổn thất cho các ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước, một số cuộc thanh tra phải tạm dừng, hoãn nên chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, môi trường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phức tạp, đối diện với nhiều tác động và rủi ro về mặt pháp lý nhưng hiện còn thiếu cơ chế hỗ trợ và chưa có văn bản pháp lý bảo vệ cán bộ thanh tra, giám sát trong quá trình thực thi công vụ; lực lượng cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện khối lượng công việc được giao rất lớn và đặc thù hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Chú trọng việc quán triệt thực hiện đạo đức công vụ

Trên cơ sở định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Ngân hàng và định hướng thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới, TTGSNH xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu để tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện trong kỳ tiếp theo.

Cùng với đó, tập trung triển khai hiệu quả KHTT năm 2022 phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 nhằm góp phần bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD; hỗ trợ quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu. Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực và sai phạm; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan TTGSNH và Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thực hiện KHTT, đặc biệt là thanh tra pháp nhân.

Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tập trung giám sát các TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống. Chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo và quyết định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan thanh tra, kiểm toán và cơ quan chức năng có thẩm quyền. Triển khai hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động, nghiệp vụ thanh tra, giám sát ngân hàng trong toàn hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.

Ngoài ra, giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD; tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền việc ban hành và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2025.

Chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của TCTD... theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng và tội phạm; phòng, chống rửa tiền để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra, giám sát, trong đó chú trọng việc quán triệt thực hiện đạo đức công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 Hà Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra