Chiều ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực công thương.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo phục thuộc vào kỹ thuật và kinh tế
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông về an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Theo Quyết định quy hoạch điện 8 và để đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, Việt Nam vừa phải thay đổi về quy mô vừa phải thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng. Điều này có nghĩa là tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và giảm điện có nguồn gốc hóa thạch.
Theo đó, Bộ Công Thương đang tích cực tham mưu Chính phủ các chính sách để thực hiện cho được mục tiêu trên.
Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo như nắng, gió…. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật của nước ta hiện nay, thì không thể nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo quá khả năng kỹ thuật và kinh tế. Nguyên nhân là do năng lượng tái tạo quá cao thì mất an ninh, an toàn lưới điện.
|
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn chiều ngày 21/8. (Ảnh: quochoi.vn) |
Về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể nâng năng lượng tái tạo nếu đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện, truyền tải điện (nhất là điện thông minh) và đầu tư vào công nghệ mới (như sản xuất hydrogen để có nguồn điện sạch…). Song do chi phí đầu vào tăng nên giá thành điện cũng tăng gấp hàng chục lần hiện nay, không phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng sử dụng điện.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong Quy hoạch điện 8 đã xác định rất rõ cơ cấu các nguồn điện, lộ trình chuyển đổi, xác định rõ các cơ chế, chính sách, như: Mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mặt trời áp mái, ban hành khung giá điện theo giờ…
Về việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà, phát biểu tranh luận tại phiên họp liên quan đến giải pháp tạo điều kiện cho các hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình.
|
|
Đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đặt câu hỏi về ngành điện. (Ảnh: quochoi.vn) |
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ hướng giải quyết của Bộ để tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư này cho các hộ xung quanh, để vừa giúp người dân có thêm nguồn thu, đồng thời tránh lãng phí chi phí đầu tư chung cho xã hội.
Trả lời đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo đó, để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia. Song cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật.
Chú trọng quy hoạch vùng nuôi, trồng nông sản
Đối với vấn đề quy hoạch khoáng sản, nhất là bô-xít ở khu vực Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh để các dự án năng lượng tái tạo có trong Quy hoạch được duyệt thì sẽ đưa vào dự trữ đất khoáng sản để có thể triển khai.
Câu hỏi về giải pháp nông sản Việt khó thâm nhập thị trường cao cấp của đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời: Nước ta có nhiều tiềm năng sản xuất nông sản, nhất là sản phẩm nhiệt đới, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trên thế giới. Nông sản Việt đi vào thị trường thế giới ngày càng nhiều, tốc độ tăng 15-20%, tuy nhiên hiện mới chỉ vào được các thị trường dễ tính.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng công nghệ sản xuất để đáp ứng đủ lớn và đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng xây dựng, củng cố thương hiệu sản phẩm quốc gia thay vì thương hiệu địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời, chú ý bảo hộ vùng trồng, bảo hộ thương hiệu, bảo hộ chỉ giới địa lý và chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, thay đổi tập quán sản xuất từ “có gì bán nấy” sang sản xuất hàng hóa, từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch…
“Bộ Công Thương sẵn sàng giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối sản phẩm thông qua các thương vụ của Việt Nam sang 90 nước và vùng lãnh thổ”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh./.