Bắc Kạn:

Thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản để ngăn ngừa vi phạm và hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ nhật, 12/09/2021 14:44
(ThanhtraVietnam) - Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đảm bảo mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời; đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Đề án nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng thu nhập cho lao động, gia tăng giá trị công nghiệp cho tỉnh

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, sau 04 năm thực hiện “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 - 2020”, công tác quản lý khoáng sản đã có bước chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, nhất là trách nhiệm trong việc nộp ngân sách nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, địa phương trong công tác quản lý khoáng sản của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định.

Giai đoạn Giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh đã cấp 13 giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng tại 18 khu vực khoáng sản; cấp 17 giấy phép khai thác khoáng sản các loại. Hiện nay, trên địa bàn có 16 giấy phép thăm dò, 49 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. UBND tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý bổ sung 2 khu vực có tiềm năng khoáng sản và 3 dự án nhà máy chế biến khoáng sản vào quy hoạch, làm cơ sở để cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương và gia tăng giá trị công nghiệp cho tỉnh.

Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm; bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong quá trình thực hiện, đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Để triển khai công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương xảy ra khai thác trái phép quy mô nhỏ lẻ, tại các vùng sâu xa, đi lại khó khăn.

Công an tỉnh đã thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý 85 vụ/93 đối tượng vi phạm về hoạt động khoáng sản, khởi tố 2 vụ, xử lý vi phạm hành chính hàng chục vụ, chuyển cơ quan chức năng xử lý 21 vụ/19 tổ chức có hành vi vận chuyển tiêu thụ, cất giữ khoáng sản trái phép, tịch thu hơn 2 tấn quặng ôxit kẽm, hơn 486 tấn quặng sắt, hơn 43 tấn than cacbon. UBND các huyện, thành phố kiểm tra hơn 200 lượt, phát hiện xử lý vi phạm hành chính 16 đối tượng, thu giữ, tiêu hủy nhiều dụng cụ, máy móc thiết bị.

Kết quả thực hiện đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ngày càng tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các quy định trong hoạt động khoáng sản và ngăn ngừa, đẩy lùi được tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật.

Kết quả thu tiền cấp quyền khai thác từ năm 2017 đến nay được hơn 36 tỷ đồng; thu phí bảo vệ môi trường hơn 184 tỷ đồng. Nhằm tránh thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản, hằng năm UBND tỉnh phê duyệt đề án ấn định thuế, làm cơ sở cho cơ quan thuế đôn đốc thực hiện theo quy định. Theo đó, số thu từ khoáng sản đã tăng tỷ trọng từ 11% đến 16% trên tổng số thu, góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản với tổng số vốn đăng ký trên 354 tỷ đồng. Các dự án cơ bản triển khai thực hiện đúng tiến độ so với cam kết, có 9/20 dự án được chấp thuận đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động

Bên cạnh những kết quả, hoạt động khoáng sản trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, quy mô hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ (hầu hết các nhà máy chế biến khoáng sản ở địa phương cơ bản còn lạc hậu). Còn xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép với quy mô nhỏ lẻ, chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để (tại một số nơi thuộc các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì và Chợ Mới).

Việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát sản lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa được các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, mặc dù các cơ quan chuyên môn đã có nhiều văn bản đôn đốc. Đối với các mỏ khoáng sản kim loại, hệ thống camera hoạt động chưa ổn định, liên tục, thông suốt và chưa truyền tải được đầy đủ thông tin về Trung tâm giám sát.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc theo đề án ấn định và chưa nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định, như: Mỏ sắt Pù Ổ, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn của Công ty Khoáng sản Na Rì Hamico; mỏ đá vôi trắng Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể của Công ty TNHH Tuấn Ngân dừng khai thác lâu nên ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản của tỉnh, cũng như ảnh hưởng đến công tác thu nộp ngân sách. Hoạt động thăm dò khoáng sản do các doanh nghiệp đầu tư kinh phí nên chưa thực sự khách quan trong báo cáo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản.

Do còn hạn chế trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản, nhất là công tác quản lý sản lượng khai thác, gắn với chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản chưa được giám sát chặt chẽ, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách…nên cần xây dựng Đề án nâng cao hiệu quản quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 -  2025, nhằm quản lý tốt hơn trong lĩnh vực khoáng sản, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu của Đề án, UBND tỉnh đã xây dựng một loạt nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, như nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng; quản lý sản lượng khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác; rà soát, đánh giá hiệu quả các giấy phép khai thác đã cấp, các dự án đầu tư chế biến; tổ chức thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản; thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản…

Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong các nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý. Tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải phối hợp lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện không quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp để không cản trở đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp; nội dung thanh tra, kiểm tra phải được giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; cơ quan chức năng chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung ngoài quyết định đã được duyệt.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đảm bảo mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật. Đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần, cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản cần kiên quyết kịp thời xử lý theo luật định, đặc biệt là tình trạng vận chuyển khoáng sản, chuyển nhượng mỏ trái phép trên địa bàn. 

Các ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu để đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện dứt điểm các khoản nợ tiền cấp quyền, thuế, phí quá hạn đối với ngân sách nhà nước. Trường hợp cố tình không chấp hành thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định, kiên quyết xử lý các đơn vị chưa thực hiện việc cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ theo quy định. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên môi trường.

Đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực có tiềm năng về khoáng sản nhưng chưa cấp phép hoặc các khu vực tiềm ẩn xảy ra khai thác khoáng sản trái phép.

Đăng Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra