Đắk Lắk:

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chưa đúng quy định pháp luật

Thứ hai, 20/12/2021 17:50
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kết luận Thanh tra số 116/KL-TTr về việc thanh tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, mua sắm tài sản công năm 2020 tại Chi cục Thủy sản. Đoàn Thanh tra Sở đã nêu rõ những khuyết điểm tồn tại trong việc xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị, không đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sai phạm trong xử lý vi phạm hành chính

Theo đó, Chi cục Thủy sản chưa thực hiện đúng các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định của pháp luật về hướng dẫn thi hành xử lý đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Việc thiết lập Biên bản vi phạm hành chính chưa đúng với mẫu biểu được quy định tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Khi phát hiện hành vi vi phạm, đơn vị đã không ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính nhưng lại lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính là chưa đúng theo Khoản 4, 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính. Đơn vị đã không tổ chức xác định giá trị tang vật vi phạm để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt là chưa đúng theo Điều 60 của Luật. Nội dung vi phạm trong biên bản vi phạm hành chính không định lượng rõ mức độ vi phạm là chưa đúng về lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật.

Bên cạnh đó, đơn vị đã lập 03 biên bản vụ việc không xác định được đối tượng vi phạm đánh bắt cá trái phép, nhưng lại lập 05 biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính, tổng cộng gồm: 20 tang vật vi phạm; sau đó lại ban hành chỉ 01 Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính đối với 20 tang vật của 03 vụ việc nêu trên là chưa đúng theo quy định của Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Đơn vị đã ban hành Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính số 09/QĐ-TTTVPT ngày 26/02/2021 đối với 20 tang vật vi phạm nhưng không thiết lập Biên bản tịch thu tang vật kèm theo quyết định tịch thu là chưa đúng quy định tại Khoản 1 Điều 81 của Luật. Toàn bộ 20 tang vật vi phạm đã tịch thu cho đến nay vẫn chưa được xử lý là chưa đúng quy định theo Khoản 3 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Để xảy ra các khuyết điểm, tồn tại như trên trách nhiệm thuộc về Chi cục trưởng, các cán bộ phụ trách các phòng chuyên môn và các cá nhân có liên quan của Chi cục Thủy sản.

leftcenterrightdel
Thả cá tại hồ thủy điện Srêpốk 4 (huyện Buôn Đôn). Ảnh: daklak24h.com.vn

Vi phạm chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trong thi hành công vụ

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chi cục Thủy sản chưa ban hành văn bản phân công, cử công chức đi công tác, tập huấn ngoài tỉnh cho tất cả các trường hợp. Chưa ban hành quyết định mở lớp tập huấn cấp giấy chứng nhận VietGap theo Quyết định số 189/QĐ-SNN của Sở NN&PTNT và Quyết định số 1621/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Đơn vị đã tiến hành lựa chọn 03 hộ dân để thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bằng thức ăn viên tổng hợp từ năm 2020 - 2021 tại các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Krông Pắc nhưng chưa ban hành quyết định triển khai thực hiện mô hình tại 3 cơ sở.

Chi cục Thủy sản đã phối hợp phòng NN&PTNT các huyện Ea H’leo, Buôn Đôn, Lắk, Krông Ana, Ea Kar tổ chức thả 50.000 con cá giống xuống các thủy vực hồ Buôn Trưng, hồ thủy điện Srêpốk 4, hồ Ea Drăng, hồ Buôn Tría và hồ Buôn Triết, sông Krông Ana nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, đơn vị chưa ban hành văn bản phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị để thả cá tại các địa phương.

Các vi phạm này là chưa đúng quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Từ những khuyết điểm, tồn tại Đoàn thanh tra đã chỉ ra, Thanh tra sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Thủy sản nghiêm túc chỉ đạo, phân công các phòng chuyên môn, công chức thực hiện nhiệm vụ trong mọi trường hợp đều phải được ban hành văn bản theo quy định. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực thủy sản.

Đồng thời, hoàn thành ngay việc xử lý 20 tang vật vi phạm đã tịch thu theo Quyết định số 09/QĐ-TTTVPT ngày 26/02/2021 theo quy định tại Điều 82 và Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, tồn tại được nêu tại Kết luận; xử lý trách nhiệm theo quy định và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục./.

Hà Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra