LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ THANH TRA, KIỂM TOÁN GÓP PHẦN BẢO VỆ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRƯỚC NGUY CƠ THA HÓA QUYỀN LỰC, TIÊU CỰC VÀ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC HIỆN NAY

BÀI 3: CHIẾN LƯỢC TẤT YẾU, LÂU DÀI, KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC TRONG CÔNG TÁC LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ

Thứ hai, 27/05/2024 17:00
(ThanhtraVietNam) - Công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là một trong những chủ trương mang tầm chiến lược, tất yếu, lâu dài và không thể đảo ngược của Đảng ta từ nhiều năm qua.

BÀI 2: LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ TẠI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VÀ THANH TRA CHÍNH PHỦ

BÀI 1: QUY ĐỊNH SỐ 131-QĐ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BẢO VỆ CÁN BỘ THANH TRA, KIỂM TOÁN TRƯỚC NGUY CƠ THA HÓA QUYỀN LỰC, TIÊU CỰC

leftcenterrightdel
 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (người đứng giữa) và các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Đặng Công Huẩn, Bùi Ngọc Lam và nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chụp ảnh lưu niệm cùng tân Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy (người cầm hoa), tháng 7/2023. (Ảnh: QA)

Chủ trương của Đảng trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ là hoàn toàn đúng đắn

Như đã biết ở bài 2, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (gọi tắt là Quy định số 131-QĐ/TW) đến từng cấp ủy, người đứng đầu các cấp, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Để thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW, Thanh tra Chính phủ đang triển khai Kế hoạch số 25-KH/BCSĐ. Tại Kiểm toán nhà nước, ngày 30/11/2023 Ban Cán sự đảng đã ban hành Kế hoạch số 202-KH/BCSĐ triển khai thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW và đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước rà soát, sửa đổi các quy định đảm bảo phù hợp với Quy định này. Mới đây, ngày 22/4/2024, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước tiếp tục ban hành Nghị quyết số 70-NQ/BCSĐ (thay thế Nghị quyết số 36-NQ/BCS) về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước, trong đó tích hợp Quy định số 131-QĐ/TW gắn với điều kiện đặc thù của Ngành.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường trao Quyết định bổ nhiệm và tặng hoa cho các tân Vụ trưởng và Phó Vụ trưởng, tháng 01/2024. Ảnh: HT 

Bên cạnh đó, để cụ thể hóa các nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Quy định số 131-QĐ/TW, Kiểm toán nhà nước đang khẩn trương rà soát, sửa đổi Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 30 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử Kiểm toán viên nhà nước, Quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước, Quy định về quy trình, nghiệp vụ của Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Thanh tra và quy trình thanh tra của Kiểm toán nhà nước, Quy chế làm việc của Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Kiểm toán nhà nước...

Đồng thời, để khắc phục khó khăn trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Kiểm toán nhà nước đang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép Kiểm toán nhà nước được trích số tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị để xây dựng nơi ở phục vụ cho đảng viên, công chức, viên chức điều động, luân chuyển.

Có thể khẳng định, với những bước đi bài bản, thận trọng, từng bước, khoa học, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ và đặc thù của từng Ngành, công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, đảng viên đang công tác tại Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu, rất đáng ghi nhận (xem bài 2), có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ cho công tác này trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: N. Lộc

Trao đổi về nội dung này, ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định: “Việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ tạo điều kiện tốt cho việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn. Cán bộ có cơ hội trưởng thành trên cương vị công tác mới, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, qua việc thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước chủ động hơn trong công tác sử dụng cán bộ; đồng thời, có thể đánh giá, lựa chọn cán bộ trong quy hoạch để bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, vào những chức danh chủ chốt của Kiểm toán nhà nước. Đến nay, cơ bản các công chức giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Kiểm toán nhà nước đều kinh qua các vị trí công tác tại Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán nhà nước khu vực cũng như các đơn vị tham mưu”.

Thực tiễn đã chứng minh, số đảng viên, công chức, viên chức được điều động, luân chuyển cơ bản phát huy được năng lực, sở trường công tác, qua đó hiệu quả công tác của nhiều đơn vị được củng cố, nâng lên rõ rệt.

Chính kết quả công tác của các cá nhân ở đơn vị mới đã khẳng định chủ trương đúng đắn, chiến lược tất yếu, lâu dài, không thể đảo ngược của Đảng trong công tác cán bộ, góp phần đổi mới công tác quy hoạch, đánh giá, nhận xét, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, đối với những ngành đặc thù như: Thanh tra, Kiểm toán nhà nước, công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ lại càng có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bởi công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ thanh tra, kiểm toán không chỉ tạo ra lớp áo “giáp sắt” bảo vệ những cán bộ này mà còn góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực và luận điệu xuyên tạc hiện nay.

Đồng quan điểm về nội dung này, TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Cơ quan và những người có thẩm quyền trong cơ quan thanh tra, kiểm toán có quyền nhận định có hay không có hành vi phạm pháp luật; có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra, đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp để ngăn chặn kịp thời đối tượng thanh tra có hành vi hủy hoại, tẩu tán tài sản bị nghi ngờ liên quan đến hành vi tham nhũng; có quyền đề nghị xử lý hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định,…

Chính vì vậy mà họ (cán bộ thanh tra, kiểm toán) luôn là đối tượng cho những kẻ có hành vi tham nhũng, tiêu cực, tìm cách "chạy chọt" khi bị phát hiện. Họ sẽ bị “tấn công” bởi các cám dỗ tiền bạc và những lợi ích khó cưỡng.

leftcenterrightdel
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Liên quan đến nội dung này, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp ở hai cơ quan đầu ngành như Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đều ra sức tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương trong công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức.

Đồng thời, xử lý nghiêm những công chức không chấp hành quyết định luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, biệt phái; những người có biểu hiện cục bộ, cản trở, gây khó khăn trong công tác luân chuyển, điều động chuyển đổi vị trí công tác, biệt phái đối với công chức; những hành vi phân biệt đối xử và quản lý, sử dụng công chức được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, biệt phái không đúng quy định; lợi dụng công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái công chức để gây mất đoàn kết nội bộ, thể hiện ý chí cá nhân hoặc làm trái các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các đơn vị cần có chế độ khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời và nhân rộng những điển hình tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với công chức.

Trong thực hiện điều động hoặc luân chuyển ở các vị trí công tác cụ thể, cần kết hợp áp dụng các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, nhất là việc tham chiếu 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong Quy định số 131-QĐ/TW để có đánh giá chính xác, đúng người đúng trách nhiệm và có biện pháp xử lý cần thiết về công tác cán bộ.

"Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người làm công tác thanh tra, kiểm toán tự kiểm soát mình, luôn tự soi, tự sửa, phòng ngừa từ sớm, từ xa, bảo vệ cán bộ thanh tra, kiểm toán trước nguy cơ tha hóa quyền lực từ những viên đạn “bọc đường”, “bọc đô la”, … "- TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh.

Kiên quyết, kiên trì vì lợi ích chung - Đập tan luận điệu xuyên tạc của những kẻ chống phá

Thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện những luận điệu xuyên tạc như: “Thanh tra thì nhan nhản, cộng sản thì vắng bóng”; nội bộ chính trị đang chia phe, kết phái; mượn danh chống tham nhũng để đấu đá, thanh trừng phe cánh dẫn đến cán bộ bị cách chức, “hạ bệ”, gây bất ổn chính trị. Một số kẻ cơ hội đã lợi dụng những bức xúc trong một số vụ việc có liên quan thanh tra, kiểm toán bị đưa ra xét xử để bôi đen, phủ nhận vai trò, kết quả của ngành Thanh tra, Kiểm toán nhà nước mang lại;...

Các đối tượng thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta vẫn ngày đêm công kích rằng: Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện của việc tạo dựng phe cánh, cấu kết, trù dập cán bộ. Sự thật là, các cấp, các ngành và địa phương đã rất nỗ lực và đạt được nhiều kết quả công tác đáng ghi nhận, trong đó không thể phủ nhận thành quả bước đầu của công tác luân chuyển, điều động cán bộ.

Đánh giá về tình hình hiện nay, TS. Đinh Văn Minh nhận định: Những kẻ thù địch luôn hằn học trước những thành tựu của chúng ta trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi chủ trương, chính sách thậm chí là từng bước tiến, biện pháp, giải pháp mà chúng ta triển khai, thực hiện đều có thể bị xuyên tạc, chống phá. Cũng nên nhớ rằng các thế lực thù địch đó không chỉ đến từ bên ngoài mà có thể đến từ bất cứ đâu, kể cả trong đội ngũ của chính chúng ta. Đó là những kẻ tha hóa, biến chất, cơ hội, trục lợi, những phe nhóm lợi ích luôn tìm cách cản trở, thậm chí là chống phá những chủ trương, chính sách đúng đắn để mưu lợi cho bản thân và nhóm của mình.

Thực tiễn cho thấy, công tác cán bộ tại Việt Nam là vô cùng khó khăn phức tạp, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, thận trọng, từng bước. Để công tác luân chuyển, điều động cán bộ có hiệu quả, đồng thời đập tan mọi luận điệu của các thế lực thù địch về cái gọi là “tạo dựng phe cánh, cấu kết, trù dập cán bộ”, trước hết phải tạo ra sự nhất trí cao về nhận thức và hành động trong tập thể lãnh đạo cũng như trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với các ngành có tính đặc thù cao như: Thanh tra, Kiểm toán nhà nước.

Công việc này cũng cần được thực hiện bài bản, có chương trình, kế hoạch, thực hiện đúng quy định, quy trình của Đảng và Nhà nước. Cần coi trọng công tác tư tưởng cho các các đơn vị, cá nhân có liên quan để tạo ra sự nhất trí cao trong từng trường hợp cụ thể.

Đặc biệt là quá trình thực hiện cần được công khai, minh bạch đến mức cao nhất, chủ động thông tin và nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện để dẹp bỏ kịp thời những thông tin xấu độc, lệch lạc, xuyên tạc không chính xác.

Quan tâm đến nội dung này, nhiều chuyên gia quốc tế nhấn mạnh sự cần thiết kết hợp các giải pháp, không chỉ dừng ở nâng cao nhận thức, mà quan trọng nhất là Việt Nam cần có cơ chế, chính sách, ban hành luật pháp rõ ràng và những quy định cụ thể cho vị trí việc làm của cán bộ. Đặc biệt là có tiêu chuẩn, quy trình công tác để minh bạch hóa quá trình thanh tra, kiểm toán, đồng thời cần phải có cơ quan độc lập có chức năng giám sát cán bộ làm nhiệm vụ, góp phần hạn chế tối đa khả năng tham nhũng, tiêu cực của cán bộ. Tập trung xây dựng thể chế, quy định đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan để hoạt động thanh tra, kiểm toán hiệu quả và liêm chính. Đó là biện pháp tối ưu trong xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm toán nhà nước hiện nay.

Trong đó, Phó Tiến sĩ Ángel Maciá, chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Murcia (Tây Ban Nha), kiêm cộng tác viên biên tập tiếng Tây Ban Nha của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu quan điểm: “Để giải quyết vấn đề này và nâng cao nhận thức về tính hợp pháp của cuộc chiến chống tham nhũng, các nhà báo cần điều tra độc lập và minh bạch các vụ bê bối tham nhũng và đưa tin chính xác, công bố sự thật trước khi các cán bộ sai phạm chính thức bị công khai danh tính và khởi tố”.

TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh thêm rằng: Cùng với các biện pháp nêu trên thì cũng cần xử lý nghiêm minh và kiên quyết những người có biểu hiện không gương mẫu, không chấp hành, có biểu hiện “kén cá chọn canh” trong công việc, những biểu hiện công thần, tự mãn, thậm chí là tìm cách chạy chọt, nhờ vả tác động để được bố trí công việc, vị trí theo ý muốn chủ quan của cá nhân mình.

Chính vì vậy, các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự trong sạch, vững mạnh như yêu cầu, huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phái anh tham ô đi thanh tra tham ô thì không được. Phái người lười đi thanh tra công việc người khác thì cũng không được. Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”. (1)

Trên thực tế thì ngành Thanh tra nói chung, Thanh tra Chính phủ nói riêng đã và đang thực hiện các biện pháp, giải pháp về luân chuyển, điều động cán bộ rất tốt và tôi tin rằng trong thời gian tới Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra sẽ bước vào một thời kỳ mới với không khí mới và đạt nhiều thành tích trong công tác thanh tra - TS. Đinh Văn Minh bày tỏ sự tin tưởng.

Những thành quả, kết quả công tác mà Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ đạt được thời gian qua thực sự đem lại uy tín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vị thế của Ngành. Đặc biệt, những cách làm hiệu quả trong công tác cán bộ, nhất là trong luân chuyển, điều động cán bộ chính là những kinh nghiệm quý báu có sức lan tỏa rộng khắp, để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tham khảo, học tập khi tổ chức, triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng.

Ông Amiad Horowitz (Quốc tịch Mỹ), Nhà báo, Báo People’s World (Mỹ), kiêm hiệu đính cho Tạp chí Political Theory (Tạp chí tiếng Anh của Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: "Tôi cho rằng việc cải thiện hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ và kiểm soát quyền lực là một công cụ hữu hiệu để bác bỏ những luận điệu sai trái của các lực lượng thù địch. Khi Nhân dân thế giới và người dân Việt Nam có thể nhìn thấy kết quả của những biện pháp này, họ sẽ thấy rõ các lực lượng thù địch đang cố tình lan truyền thông tin sai lệch. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao uy tín và danh tiếng của chế độ xã hội chủ nghĩa, từ đó làm cho việc phát triển các luận điệu bôi nhọ của các thế lực phản động trở nên khó khăn hơn".

Có thể khẳng định, thanh tra, kiểm toán nhà nước là những công việc khó khăn và đòi hỏi chuyên môn rất cao, không cho phép “sai số” khi thực hiện nhiệm vụ. Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, vượt qua những thách thức, rào cản, công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức cần tiếp tục được thực hiện thường xuyên, liên tục, bài bản, thận trọng, từng bước, kiên quyết, kiên trì, đảm bảo phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW; Luật Phòng, chống tham nhũng; phù hợp với đặc thù hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của từng cơ quan và đặc biệt là phù hợp với Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 09/5/2024.

Trong đó, cần “đặc biệt chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền và luôn coi đây là biện pháp quan trọng trong công tác cán bộ, không chỉ nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành một cách toàn diện, tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, thử thách và trưởng thành, mà còn nhằm điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức trong toàn Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ” - Ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tại một buổi làm việc với cán bộ, công chức. Ảnh: N. Lộc

Công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ cần quan tâm đến yếu tố điều kiện hoàn cảnh gia đình của công chức để mỗi cán bộ, công chức đồng thuận và tin tưởng vào sự sắp xếp, tổ chức của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị để họ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các công chức thực hiện điều động, luân chuyển cần được lãnh đạo các đơn vị hết sức quan tâm, động viên, tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi về sinh hoạt, phương tiện làm việc, để họ ổn định tâm lý, yên tâm công tác, phát huy hết năng lực, sở trường chuyên môn, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác mới, đồng thời nêu cao tính đoàn kết, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Đồng thời, ông Tuấn cũng cho rằng, việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện cán bộ, công chức là hết sức quan trọng. Tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới ngày càng cao, càng phức tạp và nặng nề, cho nên phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”.

Đó phải là những cán bộ thực sự yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Với tư cách là những cán bộ, công chức đang cống hiến và phục vụ trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì mỗi cán bộ thanh tra, kiểm toán nhất định phải: "Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.” (2)

leftcenterrightdel
 Ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung

Không thể phủ nhận rằng, công tác cán bộ, trong đó có công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, đảng viên rất nhạy cảm, nhiều khó khăn, phức tạp nhưng cần có sự kiên quyết, kiên trì, đoàn kết, thống nhất, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng); “các bước thực hiện phải bài bản, khoa học, chặt chẽ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, hiệu quả, tất cả đều vì lợi ích chung thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công” - Ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ tin tưởng và khẳng định.

Tóm lại, việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, đảng viên cần thực hiện đúng nguyên tắc, bảo đảm tính linh hoạt, sáng tạo, nhân văn và tính chiến đấu trong công tác, thể hiện sự minh bạch, liêm khiết và kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng. Mục đích cao nhất là để ổn định chính trị, thúc đẩy xã hội phát triển nhanh và bền vững, xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự, phục vụ hết mình vì lợi ích trên hết, trước hết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

(Hết)

Chú thích:

(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị về công tác thanh tra tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ I, ngày 19/4/1957;

(2) Quy định số 144-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 09/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Kim Dung - Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra