Bất cập trong thực hiện kết luận, xử lý sau thanh tra: Nhìn từ Lào Cai

Thứ ba, 14/03/2023 17:20
(ThanhtraVietNam) – Đối chiếu Luật Thanh tra năm 2010, các quy định của Thanh tra Chính phủ về tổ chức, hoạt động Đoàn thanh tra, trình tự thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra với kết quả thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có thể nhận thấy còn nhiều khó khăn, bất cập, vướng mắc trong công tác này.

Ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra

Qua theo dõi, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 đến 2020 có nhiều kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được thực hiện trong thời gian dài mới hoàn thành, một số cơ bản hoàn thành nhưng chưa dứt điểm hoặc chất lượng thực hiện chưa cao.

Bên cạnh đó, nhiều kết luận thanh tra mặc dù đã được ban hành trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một số kết luận thanh tra mặc dù đã có kiểm tra việc thực hiện, có báo cáo kết quả kiểm tra và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhưng sau đó vẫn phải theo dõi, đôn đốc các đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện.

Thực tiễn cho thấy, phần lớn các kiến nghị đối với sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng… còn nhiều vụ việc chưa kiên quyết, chưa thực hiện xong; một số đối tượng thanh tra và các đơn vị có liên quan không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời hoặc trì hoãn trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

Việc xử lý thu hồi tiền, tài sản vi phạm tại một số đơn vị như: Tổng công ty cổ phần Linh Dương, Công ty TNHH Lâm nghiệp Bảo Yên, Công ty Khoáng sản Đức Long, Tam Đỉnh… đều có thời gian thực hiện kéo dài, khó có thể dứt điểm hoặc có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Việc thực hiện một số kết luận vi phạm về đất đai qua thanh tra còn chậm và chưa triệt để; việc xử lý đối với các tập thể, cá nhân sai phạm vẫn chưa nghiêm đã gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra nói riêng, công tác quản lý nhà nước nói chung và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.  

leftcenterrightdel
Hoạt động đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Lào Cai. Ảnh: Văn Hải 

Cơ quan quản lý đối tượng thanh tra chưa phát huy trách nhiệm

Một số kết luận thanh tra phát hiện nhiều chủ thể với các sai phạm có giá trị lớn, trong thời gian dài, việc khắc phục và xử lý gặp nhiều khó khăn hoặc nhiều sai phạm tương tự cần có thời gian để rà soát, đánh giá và kiến nghị xử lý; nội dung kiến nghị chưa bám sát tính thực tiễn, tính pháp lý chưa đầy đủ và thuyết phục.

Có kiến nghị thu hồi kinh tế không có tính khả thi như: đối tượng thực hiện đã bỏ trốn, phá sản, chết hoặc mất tích (thường là đối với các khoản thuế) nhưng chưa có cơ chế theo dõi hoặc xử lý…

Mặt khác, một số đối tượng thanh tra chưa thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thể hiện qua sự chậm trễ trong thực hiện và báo cáo hoặc thực hiện mang tính hình thức (trong xử lý hành chính); cá biệt có đối tượng chây ỳ, cố tình không thực hiện.

Các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra chưa phát huy trách nhiệm theo quy định đối với việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra đối với đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra.

Nguyên nhân của tồn tại này trước hết là do nhận thức chưa đầy đủ và trách nhiệm chưa cao của đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, đối tượng thanh tra gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện những kiến nghị thu hồi kinh tế với giá trị lớn hoặc một số khó khăn về cơ chế xử lý tài chính.

Đối với các đối tượng chây ỳ, thực hiện không nghiêm túc hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra do chưa có các chế tài hoặc lúng túng trong việc áp dụng chế tài cũng như các biện pháp cưỡng chế nên việc xử lý các đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, sự phối hợp của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, thuế, ngân hàng, công an trong việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra còn chưa được chặt chẽ và đồng bộ.

Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận thanh tra vẫn còn hạn chế, như việc theo dõi, đôn đốc, xử lý các vi phạm về kinh tế có đơn vị chưa coi trọng đúng mức việc chỉ đạo sát sao, kịp thời. Thủ trưởng một số ngành và địa phương chưa quan tâm đến việc xử lý các kết luận sau thanh tra, có những vụ việc đã thanh tra, kết luận rõ ràng nhưng các cơ quan có liên quan chậm chễ trong việc xử lý sai phạm, xử lý cán bộ, thu hồi kinh tế…; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đôi khi còn chưa xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; chưa áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; khắc phục kịp thời sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý;

Quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Các cơ quan Thanh tra (Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện) chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị nên tính hiệu quả không cao, phụ thuộc vào thái độ tiếp thu và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được các cơ quan Thanh tra kiến nghị.

Việc thực hiện các Kết luận thanh tra chủ yếu phụ thuộc vào Thủ trưởng cơ quan quản lý và ý thức chấp hành của đối tượng thanh tra.

Luật Thanh tra đã đề cập đến trách nhiệm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, tuy nhiên, các quy định này chưa được thể hiện đầy đủ, do đó thiếu cơ sở để thực hiện, thiếu các chế tài, nhất là khi xử lý các hành vi chống đối, chây ỳ, cản trở, không thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị của các cơ quan Thanh tra dẫn đến kỷ cương trong quản lý hành chính bị giảm.

Quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức có thời hiệu là 24 tháng, do vậy nhiều trường hợp có vi phạm nhưng thời gian xảy ra hành vi vi phạm quá thời hiệu nên không xem xét kỷ luật được.

Việc thực hiện phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra hiện nay cũng có nhiều vướng mắc.

Hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra còn chưa thực sự hoàn chỉnh, nhiều điểm còn bộc lộ bất hợp lý, một số còn mâu thuẫn với nhau, chưa phù hợp với tình hình và yêu cầu của thực tiễn dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền và hoạt động ở một số lĩnh vực gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Cụ thể, việc quy định thời gian theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chưa phù hợp với tính chất của từng kết luận thanh tra và từng cấp thanh tra. Thời hạn kiểm tra kết luận thanh tra như trong Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra là chưa phù hợp với thực tế các kết luận thanh tra có nhiều nội dung phức tạp. Về quy trình thực hiện các bước kiểm tra chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm tra, ban hành quyết định, tổ chức kiểm tra, xây dựng các báo cáo, trách nhiệm và sự phối hợp trong kiểm tra… Quy định về các chế tài cụ thể áp dụng với các đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện kết luận thanh tra hoặc chậm thực hiện chưa có; các biện pháp cưỡng chế thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cũng chưa rõ ràng.

Kim Sơn – Thanh tra tỉnh Lào Cai

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra