Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc xây dựng và phát triển đất nước, những năm qua, Thanh tra tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, đảm bảo phẩm chất chính trị, năng lực.
|
|
Ông Nguyễn Đức Tiến, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Nhung |
Theo đó, đến nay, Thanh tra tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm 48 thanh tra viên chính, 156 thanh tra viên trong tổng số 236 công chức làm công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với 39 công chức, Thanh tra tỉnh đã được bổ nhiệm 17 thanh tra viên chính, 18 thanh tra viên.
Trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ, Thanh tra tỉnh luôn đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, đúng quy trình theo các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy định.
Đồng thời, thể hiện được tính dân chủ, công khai, đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí việc làm. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh vẫn còn khó khăn, vướng mắc như sau:
Trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm, Thanh tra tỉnh đã bám sát nội dung Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Thông tư số 12/2022/TT-BNV); Thông tư số 13/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức (gọi tắt là Thông tư số 13/2022/TT-BNV); Thông tư số 01/2023/TT-TTCP ngày 01/11/2023 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thanh tra (gọi tắt là Thông tư số 01/2023/TT-TTCP).
Hiện nay, đối với các vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành của Thanh tra tỉnh đang áp dụng theo Thông tư số 01/2023/TT-TTCP. Căn cứ theo Thông tư số 02/2023/TT-TTCP ngày 22/12/2023 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định pháp luật.
Vì vậy, các vị trí việc làm tại Văn phòng Thanh tra tỉnh (tổng hợp, cải cách hành chính) cũng thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước, xây dựng kế hoạch, tổng hợp các nội dung nghiệp vụ chuyên ngành về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch về thanh tra hằng năm. Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra; định hướng kế hoạch thanh tra hằng năm của cơ quan thanh tra; đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm.
Sơ kết, tổng kết việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thanh tra; chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về thanh tra; sơ kết, tổng kết thực tiễn công tác thanh tra.
Giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thành lập; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số nên các nội dung về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Thanh tra tỉnh quản lý tại Phần mềm tiếp công dân, quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về công tác thanh tra và kiểm soát tài sản, thu nhập (thực hiện trong năm 2024).
Để thực hiện đảm bảo các nội dung nêu trên và đồng thời ngành Thanh tra là 01 ngành đặc thù nên các vị trí việc làm tại Văn phòng Thanh tra tỉnh đòi hỏi phải nắm vững nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên môn trên tất cả các lĩnh vực về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ.
Mặt khác, theo Khoản 1, Điều 2 của Thông tư số 01/2023/TT-TTCP thì đối tượng áp dụng có Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong khi đó, Văn phòng là 1 phòng trực thuộc Thanh tra tỉnh.
Do đó, không thể áp dụng các vị trí việc làm tại Văn phòng Thanh tra tỉnh theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV và công chức công tác tại Văn phòng Thanh tra tỉnh không thể giữ ngạch chuyên viên chính, chuyên viên.
Vì vậy, Lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã có ý kiến đề nghị Sở Nội vụ kiến nghị Bộ Nội vụ về xây dựng các vị trí việc làm tại Văn phòng Thanh tra tỉnh áp dụng thực hiện theo Thông tư số 01/2023/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, không áp dụng thực hiện theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ; công chức tại Văn phòng Thanh tra tỉnh được giữ ngạch thanh tra viên chính, thanh tra viên.
Thời gian tới, mong rằng việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, giữa các cơ quan Đảng với chính quyền các cấp, bảo đảm việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác thanh tra được kịp thời và hiệu quả; kịp thời giải quyết những nhu cầu chính đáng của các cơ quan thanh tra đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác nội vụ trong ngành thanh tra./.