Thông tư 08/2024/TT-TTCP: Hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi hơn cho công tác thanh tra

Thứ ba, 31/12/2024 15:28
(ThanhtraVietNam) - Thông tư 08/2024/TT-TTCP với nhiều điểm mới đột phá được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm và chuyên nghiệp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan thanh tra.

Thông tư 08/2024/TT-TTCP: Công cụ mới cho hoạt động thanh tra hiệu quả

Ngày 18/12/2024, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 08/2024/TT-TTCP (Thông tư 08), hướng dẫn về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra. Đây được xem là bước tiến quan trọng, không chỉ cụ thể hóa các quy định của Luật Thanh tra năm 2022 mà còn tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.

Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho biết Thông tư 08 được xây dựng sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, trải qua nhiều cuộc họp và hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và các đơn vị liên quan. Quá trình này được thực hiện kỹ càng để đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn. Thông tư không chỉ hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra mà còn ban hành các biểu mẫu, tạo thuận lợi cho các cơ quan thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (ảnh: Dương Nguyễn) 

Thu thập thông tin trước thanh tra: Cụ thể hóa nội dung trọng tâm

Một trong những điểm nổi bật của Thông tư 08 là yêu cầu thu thập thông tin trước khi tiến hành thanh tra. Ông Trần Đăng Vinh nhấn mạnh, đây là nội dung mới của Luật Thanh tra năm 2022, giúp xác định rõ phạm vi và nội dung trọng tâm. Việc thu thập thông tin kỹ lưỡng sẽ giảm bớt thời gian và công sức, đồng thời tránh tình trạng gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Quy định này cũng đi kèm hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm và thủ tục của người được cử đi thu thập thông tin, ngăn chặn các hành vi lợi dụng, gây khó khăn hoặc ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Báo cáo tiến độ và nâng cao trách nhiệm từng thành viên

Thông tư 08 quy định rõ về việc báo cáo tiến độ thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ, khó khăn và đề xuất giải pháp. Quy định này giúp lãnh đạo nắm bắt kịp thời, chỉ đạo sát sao, đảm bảo hoạt động thanh tra đúng định hướng.

Bên cạnh đó, Thông tư yêu cầu các thành viên đoàn thanh tra phải báo cáo cụ thể về nhiệm vụ được giao, kết quả đạt được, cũng như các kiến nghị liên quan đến xử lý trách nhiệm. Quy định này vừa nâng cao trách nhiệm của thành viên, vừa giúp Trưởng đoàn thanh tra xây dựng báo cáo kết quả đoàn thanh tra tốt hơn, nhanh hơn, khắc phục tình trạng báo cáo chậm, ông Trần Đăng Vinh nhận định.

Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra: Minh bạch và khách quan

Thông tư 08 hướng dẫn chi tiết việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, trong đó yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình các nội dung liên quan. Đây là điểm mới nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và tạo cơ hội để đối tượng thanh tra bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Quy định này góp phần xây dựng kết luận thanh tra chính xác, tránh các sai sót hoặc thiếu khách quan, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động thanh tra.

Tổng kết và giám sát hoạt động thanh tra

Tổng kết hoạt động đoàn thanh tra là nội dung mới mà Thông tư 08 bổ sung. Theo ông Trần Đăng Vinh, việc tổng kết không chỉ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà còn giúp rút kinh nghiệm cho các cuộc thanh tra tiếp theo.

Thông tư cũng quy định về giám sát hoạt động thanh tra - cơ chế mới của Luật Thanh tra 2022. Việc giám sát được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo tránh xung đột lợi ích. Người ra quyết định thanh tra có quyền đình chỉ hoặc thay đổi người giám sát nếu phát hiện vi phạm. Quy định này giúp xử lý kịp thời các sai sót trong quá trình thanh tra.

Thẩm định dự thảo kết luận: Cơ chế bắt buộc với cấp tỉnh, bộ

Quy định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra được Thông tư 08 hướng dẫn chi tiết, là yêu cầu bắt buộc đối với Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ và thanh tra cấp tỉnh. Đây là cơ chế nhằm phát hiện và khắc phục các thiếu sót trong dự thảo kết luận, đảm bảo tính chính xác và khách quan.

Ông Trần Đăng Vinh cho biết, cơ chế thẩm định đã được Thanh tra Chính phủ thực hiện hiệu quả trước khi Luật Thanh tra năm 2022 ra đời. Từ kinh nghiệm này, quy định đã được cụ thể hóa để áp dụng rộng rãi trong toàn ngành Thanh tra.

Với những điểm mới và cải tiến, Thông tư 08/2022/TT-TTCP không chỉ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh tra mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Đây là cơ sở để ngành thanh tra tiếp tục đổi mới, hướng đến sự chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm trong thời gian tới.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra