Các biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong Quý I, Bộ Nội Vụ đã đưa ra một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng trong hoạt động của cơ quan.
Bộ Nội Vụ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện một cách nghiêm túc việc công khai và minh bạch trong các hoạt động như mua sắm công và xây dựng cơ bản, quản lý dự án đầu tư xây dựng, tài chính và ngân sách, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố tụng, khiếu kiện. Các công việc của đơn vị và cá nhân cũng được thực hiện một cách minh bạch trong việc bổ nhiệm, tiếp nhận, sử dụng, và quản lý công chức, viên chức.
Để đảm bảo sự công khai và minh bạch, Bộ Nội Vụ đã thực hiện thông qua nhiều kênh giao tiếp như cuộc họp giao ban công tác hàng tháng và hệ thống điện tử Voffice, cũng như thông qua việc tổ chức họp báo, cập nhật và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Đối với các đoàn thanh tra, việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm và chống lãng phí theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Nội vụ. Các biện pháp này bao gồm việc thực hiện Quy chế về quản lý trụ sở cơ quan Bộ Nội vụ, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ và chứng từ thanh quyết toán, bảo đảm tuân thủ các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và Quy chế chi tiêu nội bộ của Bộ. Đồng thời, các đơn vị được chỉ đạo và hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chi thường xuyên.
|
|
Trụ sở Bộ Nội vụ (nguồn: moha.gov.vn) |
Để thực hiện quy định của pháp luật về công tác kiểm toán nội bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 70/QĐ-BNV phê duyệt Kế hoạch kiểm toán nội bộ năm 2024, Bộ Nội vụ cũng đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2024, trong đó lồng ghép nội dung việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) thành pháp luật của Nhà nước.
Về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng, Bộ Nội vụ đã triển khai các bước về công tác nhân sự, đảm bảo quy hoạch và có tính kế thừa; chú trọng việc không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý các cấp theo phân cấp quản lý, tập trung vào việc sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ. Sau khi được bổ nhiệm, chuyển đồi, đa số cán bộ quản lý các cấp đã phát huy được vai trò, vị trí lãnh đạo của minh. Một số đơn vị thuộc Bộ đã triển khai việc chuyển đổi vị trí công tác của công chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý.
Tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện công vụ của công chức
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, tồ chức liên quan rà soát xây dựng, hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách các thủ tục hành chính bào đảm nội dung chặt chẽ theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra lợi ích nhóm nhằm ngăn chặn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Kết quả của việc xây dựng thể chế này làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương qua các thời kỳ được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã kiểm tra và ban hành Thông báo kết quả kiểm tra về tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại 03 tỉnh, thành phố. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện công vụ của công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp tại 06 bộ và 03 tỉnh, thành phố.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Nội vụ đã tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện công vụ của công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công cho cá nhân, tổ chức tại 01 đơn vị trực thuộc Bộ (Ban Tôn giáo Chính phủ). Hiện tại, đã kết thúc thanh tra trực tiếp và đang tổng hợp, xây dựng Kết luận thanh tra theo quy định.
Thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ
Nhìn chung, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc công tác PCTN, TC, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện định hướng, chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm và đột xuất; việc tiếp công dân, giải quyết KNTC và công tác PCTN, TC góp phần ổn định chính trị - xã hội. Trong Quý 1/2024, không có công chức, viên chức, người lao động nào tại Bộ Nội vụ phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, TC.
Trong Quý II, Bộ Nội vụ tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nghiêm túc các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến PCTN, TC; Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác PCTN, TC do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao.
Triển khai Kế hoạch thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán của Bộ Nội vụ.
Thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ theo Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN, TC trong công tác cán bộ, tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Mặt khác, tiếp tục kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm trong xử lý công việc; kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hóa, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ Nội vụ. Chủ động nắm bắt tình hình của bộ, ngành, địa phương để kịp thời điều chỉnh các cuộc thanh tra, kiểm tra (nếu có), xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ./.