Chống lãng phí là hoạt động thường xuyên của ngành Ngân hàng

Thứ tư, 17/04/2024 12:35
(ThanhtraVietNam) - Xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hoạt động thường xuyên, quan trọng, ngành Ngân hàng đang siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách và quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch, yêu cầu thực hiện triệt để ngay từ khâu xác định nhiệm vụ.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm 09/4/2024 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN; Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam; các ngân hàng: Chính sách xã hội, Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank …

Trao đổi tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 và quán triệt nội dung năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh, THTK, CLP là hoạt động thường xuyên và quan trọng.

Nhiều kết quả quan trọng từ thực hiện nghiêm quy định

Theo NHNN, thời gian qua, NHNN luôn quán triệt chặt chẽ tới từng đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng (TCTD) để công tác này ngày càng được chú trọng hơn trong hoạt động quản lý, hoạt động kinh doanh của các TCTD, các ngân hàng có vốn nhà nước.

Để triển khai kịp thời, nghiêm túc Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP.

Nhờ thực hiện nghiêm túc quy định, xây dựng kế hoạch tiết kiệm cụ thể, sát với kế hoạch giao khoán theo từng lần, sử dụng trong phạm vi kinh phí được giao nên Kết quả chấm điểm tiết kiệm chi thường xuyên của các đơn vị tương đối tốt so với các năm trước (77/79 đơn vị đạt kết quả chấm điểm trên 80 điểm).

Việc quản lý, sử dụng tài sản công; đầu tư xây dựng công trình tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công.

Năm 2023, NHNN đã rà soát, cắt giảm chưa đưa vào kế hoạch mua sắm 85 tài sản.

Năm ngoái, các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý đã thực hiện THTK, CLP khá hiệu quả; triển khai áp dụng nhiều biện pháp nhằm tiết giảm triệt để các khoản chi phí hoạt động.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được đẩy mạnh triển khai bám sát chỉ đạo của Chính phủ. 

NHNN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đối với 10 quy định và trình ban hành, ban hành 2 Nghị định và 7 Thông tư, cắt giảm, đơn giản hóa 33 thủ tục hành chính.

leftcenterrightdel
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị. Ảnh: SBV 

Theo Công bố Chỉ số CCHC (Par Index) năm 2022 của Bộ Nội vụ, NHNN đứng thứ nhất về chỉ số Par Index và lần thứ 7 dẫn đầu các Bộ về chỉ số này.

Kết quả xếp hạng thể hiện nỗ lực quyết tâm không ngừng của NHNN để chủ động kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh; đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

“Các đơn vị trong toàn Ngành đã tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát THTK, CLP. Nhìn chung, các đơn vị được thanh tra, kiểm toán chấp hành đúng quy định về công tác THTK, CLP”, đánh giá của lãnh đạo NHNN.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách

Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của NHNN được thông tin như sau:

Một là, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2024, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chỉ thị số 01/CTNHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN;

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP;

Ba là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước;

Bốn là, đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị;

Năm là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của NHNN về quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, quản lý, giám sát tài chính của chủ sở hữu nhà nước tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý… theo các quy định mới của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính;

Sáu là, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

Bảy là, nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về THTK, CLP…

Phạm Ngọc Tú

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra