Quảng Ninh:

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở mọi lĩnh vực

Thứ năm, 05/08/2021 09:33
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của tỉnh Quảng Ninh bước đầu có hiệu quả so với yêu cầu đề ra, tình hình tham nhũng từng bước được đẩy lùi; đã thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu những hạn chế bất cập, sơ hở…

Thủ đoạn, hành vi tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn

Đó là đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của công tác PCTN của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua, đơn vị này cho biết, thời gian qua Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương quán triệt nghiêm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Chủ động tiến hành kê khai minh bạch tài sản, thu nhập được tập trung thực hiện ngay từ khi có Nghị định hướng dẫn về việc kê khai. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền.

UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá, hiệu lực pháp luật trong mọi lĩnh vực nói chung và lĩnh vực PCTN nói riêng đã được nâng lên, tình hình dư luận xã hội, tâm tư, hành động của đại bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân đều đồng tình và hưởng ứng thực hiện pháp luật PCTN, theo đó góp phần tạo hiệu quả tốt cho công tác đấu tranh PCTN trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu những hạn chế bất cập, khắc phục những sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở một số nơi cấp cơ sở còn một số hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục đến mọi tầng lớp nhân dân do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19.

Khâu phát hiện các vụ việc tham nhũng vẫn là khâu yếu. Phần lớn các vụ việc được phát hiện là do các cơ quan điều tra và sự phát hiện của nhân dân; ít có vụ việc do cơ quan, đơn vị hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự phát hiện ra. Ngoài ra, việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật về PCTN vào thực tế địa phương, nhất là tại xã - phường và các doanh nghiệp còn lúng túng.

leftcenterrightdel
Một Hội nghị phổ biến Luật Phòng  chống tham nhũng được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Huyền Trang

Mặt khác, tỉnh này cũng nhận định, công tác PCTN là công việc phức tạp, đòi hỏi phải tập trung cao sự chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị; gắn liền với hiệu quả xây dựng thể chế, cải cách bộ máy nhà nước và nền hành chính, cải cách tư pháp. Hơn nữa, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng là công việc rất khó khăn, phức tạp, cần phải thận trọng, khách quan, kết luận đúng người, đúng tội để xử lý nghiêm minh, trong khi đó các thủ đoạn, hành vi tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng

Thời gian tới, Quảng Ninh nhận định hành vi tham nhũng có thể phát sinh ở mọi thời điểm, mọi lĩnh vực và ở các khâu, do đó, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở mọi lĩnh vực là cấp bách; đặc biệt những lĩnh vực, nhóm hành vi tham nhũng có khả năng dễ xảy ra ở một số lĩnh vực như: đất đai, quản lý dự án, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mua sắm tài sản công, các dự án có nguồn vốn từ ngân sách, vốn kinh doanh của đơn vị Nhà nước, dịch vụ công, công tác cán bộ…

Theo đó phương hướng, nhóm nhiệm vụ và giải pháp được địa phương này nêu ra để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN gồm: tiếp tục thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục thực hiện các giải pháp, Kế hoạch về PCTN với mục tiêu "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí".

Tăng cường và phát huy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tiếp tục đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, tập trung các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài chính...; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác cán bộ; thực hiện việc rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị trọng yếu bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra công tác PCTN tại các sở, ngành, địa phương; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng. Gắn với việc tăng cường phối hợp giữa các các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra