Tăng tiếp cận quản trị điện tử cho người dân để giảm tham nhũng
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2022 (Báo cáo PAPI 2022) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Theo các cơ quan nghiên cứu này, Báo cáo PAPI 2022 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 16.117 người dân từ 18 tuổi trở lên với đặc điểm nhân khẩu đa dạng được chọn ngẫu nhiên từ dân số Việt Nam.
Tổng hợp những phát hiện chính từ khảo sát, Báo cáo PAPI 2022 đã đưa ra một số nhận định rằng, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của các cấp chính quyền địa phương có phần giảm sút trong năm 2022 sau khi tăng liên tục trong giai đoạn từ 2015 đến 2021; người dân lo ngại về tính chính xác của danh sách hộ nghèo và tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về tăng cường hiệu quả quản trị điện tử, một trong những biện pháp nhằm tăng tính minh bạch và giảm tham nhũng, kết quả cho thấy mức độ tiếp cận các nền tảng chính quyền điện tử như dịch vụ công trực tuyến hay cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương vẫn còn rất thấp. Dù Chính phủ quan tâm thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để người dân tiếp cận và sử dụng được các tiện ích của quản trị điện tử.
Kỳ vọng của người dân đối với chính quyền trung ương khác đối với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Đó là, người dân muốn chính quyền cấp trung ương giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính quyền cấp tỉnh đến cơ sở giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Đường sá và đất đai là hai vấn đề người dân kỳ vọng chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện giải quyết.
|
|
PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ánh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong 8 lĩnh vực . Ảnh: NT |
“Chung chi” để có việc làm trong khu vực nhà nước còn phổ biến
THAM NHŨNG TỒN TẠI DAI DẲNG TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI
Để đánh giá sự khác biệt trong các lĩnh vực mà người dân sẵn sàng chấp nhận tham nhũng hơn, khảo sát PAPI đưa ra một câu hỏi giả định để tìm hiểu mức hối lộ mà người dân sẵn sàng nộp đơn khiếu nại khi bị vòi vĩnh bởi nhóm cảnh sát giao thông và công chức địa chính hoạt động trong phạm vi quản lý của cấp tỉnh.
Kết quả cho thấy, khi bị vòi vĩnh ở mức thấp (dưới 100.000 đồng), tỉ lệ người dân sẵn sàng tố cáo hành vi đòi hối lộ của hai nhóm cán bộ, công chức này là như nhau. Khi quy mô của khoản bị vòi vĩnh tăng lên, tỉ lệ sẵn sàng tố giác cảnh sát giao thông cao hơn so với công chức địa chính.
“Có thể nói rằng, dường như người dân dễ khoan dung với hành vi vòi vĩnh của công chức địa chính hơn hành vi vòi vĩnh của cảnh sát giao thông. Có lẽ vì lý do này mà tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng trong lĩnh vực đất đai”, Báo cáo nhận định.
|
14 năm qua kể từ khi đo lường trên toàn quốc, PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ánh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong 6 lĩnh vực nội dung gốc là: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, (2) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, (3) Trách nhiệm giải trình với người dân, (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, (5) Thủ tục hành chính công, (6) Cung ứng dịch vụ công. Từ năm 2018, Chỉ số PAPI đo lường thêm hai chỉ số nội dung mới là: Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Theo Báo cáo, Chỉ số nội dung 4 (Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công) đo lường cảm nhận, trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua 4 nội dung thành phần và phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân cũng như sự quyết tâm giảm thiểu tham nhũng của chính quyền, của người dân.
4 nội dung thành phần này gồm: “Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công”, “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” và “Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương”.
Báo cáo cũng liệt kê một số phát hiện chính từ chỉ số nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2022.
Đó là, khác nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long ở nhóm “cao” ở Chỉ số nội dung 4; trong khi nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên lại ở trong nhóm “thấp”.
Điểm nội dung thành phần "Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công" vẫn thấp nhất trong 4 nội dung thành phần. Tương tự kết quả của những năm trước, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở tất cả các địa phương. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã gồm: công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND.
Chưa tới 75% số người trả lời ở tất cả các tỉnh, thành phố cho rằng, chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng.
“Việc người dân cảm nhận chính quyền cấp địa phương chưa nghiêm túc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng như chính quyền Trung ương là một xu hướng đáng quan ngại”, Báo cáo bày tỏ.
Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 40% đến 90% ở 35 tỉnh, thành phố, giảm từ 43 tỉnh, thành phố ghi nhận tỉ lệ tương tự năm 2021.
Về việc người dân có sẵn sàng tố giác hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức hay không, kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy, người dân chỉ bắt đầu tố giác khi số tiền bị vòi vĩnh lên tới khoảng từ 20 triệu đến 43 triệu đồng. Điều này cũng cho thấy mức độ “chịu đựng” của người dân trước hiện trạng vòi vĩnh…
|
|
Theo Báo cáo PAPI 2022, tham nhũng là một trong những vấn đề người dân quan ngại nhất trong năm 2022. Ảnh: NT |
Kiểm soát tham nhũng khu vực công phải nghiêm túc
Từ các khảo sát, Báo cáo đi đến kết luận, giai đoạn từ 2016 đến 2021 (thời gian chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh ở cấp quốc gia), kết quả Chỉ số nội dung 4 về “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cho thấy những xu hướng tích cực qua từng năm nhưng kết quả khảo sát năm 2022 lại thể hiện chiều hướng đi xuống.
Báo cáo khuyến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng ở các cấp chính quyền địa phương để hạn chế tình trạng thân hữu trong tuyển dụng vào khu vực công và giảm hiện trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong cung ứng dịch vụ công và làm thủ tục hành chính cho người dân.
Người dân cũng cần chủ động tham gia giám sát và tố giác các hành vi tham nhũng ở địa phương, bởi kết quả khảo sát nêu trên cho thấy, người dân cảm thấy chính quyền địa phương chưa nghiêm túc trong đấu tranh chống tham nhũng như cấp chính quyền trung ương.
“Việc thống nhất và củng cố sự quyết tâm và tính nghiêm túc của tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở cũng như của người dân là nhân tố rất quan trọng để kiểm soát tham nhũng trong khu vực công một cách hiệu quả”, Báo cáo nhận định.