Trong phần bổ sung của báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2017, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực từ mức 5,7% lên 5,9% cho năm 2017 và từ 5,7% lên 5,8% cho năm 2018. Mức điều chỉnh tăng ít hơn của năm 2018 phản ánh quan điểm thận trọng về tính bền vững của cú hích từ xuất khẩu này.
Ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, chia sẻ: “Châu Á đang phát triển đã có khởi đầu thuận lợi trong năm nay, với hoạt động xuất khẩu được cải thiện đang thúc đẩy triển vọng tăng trưởng cho giai đoạn còn lại của năm 2017. Dù vẫn còn không chắc chắn về sức mạnh của sự phục hồi toàn cầu, chúng tôi tin rằng các nền kinh tế của khu vực đang ở vị thế tốt để đương đầu với các cú sốc tiềm tàng đối với triển vọng này”.
Tốc độ tăng trưởng tổng hợp của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt được dự báo duy trì ở mức 1,9% trong năm 2017 và 2018. Những dự báo được cải thiện cho khu vực đồng Euro và Nhật Bản do cầu nội địa tăng mạnh giúp bù đắp mức giảm nhẹ của nền kinh tế Hoa Kỳ từ 2,4% theo dự báo trước đó xuống còn 2,2% do các kết quả đáng thất vọng trong quý đầu năm 2017.
Tính theo tiểu vùng, mức tăng trưởng của Đông Á được điều chỉnh tăng lên 6,0% cho năm 2017 và 5,7% cho năm 2018, so với mức dự báo ban đầu tương ứng là 5,8% và 5,6%. Sau mức tăng trưởng giảm nhẹ gần đây, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu ròng và tiêu thụ nội địa đã cải thiện các triển vọng tăng trưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 và 6,4% năm 2018.
Nam Á vẫn sẽ là nơi tăng trưởng nhanh nhất trong tất cả các tiểu vùng của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng trên đà đạt tới con số dự báo ban đầu là 7,0% cho năm 2017 và 7,2% cho năm 2018, theo như báo cáo này. Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất của tiểu vùng - được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng như dự báo ban đầu là 7,4% trong năm 2017 và 7,6% trong năm 2018, chủ yếu nhờ mức tiêu dùng mạnh.
Dự báo tăng trưởng cho Đông Nam Á được kỳ vọng giữ nguyên ở mức 4,8% trong năm 2017 và 5,0% năm 2018, với sự gia tăng của Ma-lai-xia, Phi-lip-pin và Xing-ga-po, mặc dù xu hướng này bị ảnh hưởng phần nào bởi đà tăng trưởng chậm hơn dự báo tại Bru-nây. Nhu cầu nội địa mạnh mẽ - đặc biệt là tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân – sẽ tiếp tục hỗ trợ mức tăng trưởng của tiểu vùng này, theo như nhận định của báo cáo.
Việt Nam dự báo có mức phát triển là 6,5% cao thứ nhì trong khối Đông Nam Á chỉ sau Phi lip pin (được đánh giá 6,9%); Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia màu mỡ thu hút đầu tư từ nước ngoài, thích hợp cho các lĩnh vực đầu tư tài chính, bất động sản và công nghiệp chế tạo dưới bối cảnh phát triển không ngừng nghỉ và nhu cầu sinh hoạt cao cấp hơn của người dân Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá mức phát triển lên tới 6,5%. Theo Báo cáo của ADB
Triển vọng của Trung Á trong năm nay cũng được cải thiện, khi cầu nội địa và kim ngạch xuất khẩu gia tăng ở một số nước giúp tạo đà cho sự phục hồi ngoài dự kiến ở tiểu vùng này. Tăng trưởng được kỳ vọng đạt 3,2% trong năm 2017 và 3,8% trong năm 2018, so với mức dự báo ban đầu tương ứng là 3,1% và 3,5%.
Tăng trưởng ở Thái Bình Dương được dự báo duy trì ở mức 2,9% trong năm 2017 và 3,3% trong năm 2018, với Pa-pua Niu Ghi-nê – nền kinh tế lớn nhất của tiểu vùng – tiếp tục phục hồi nhờ các ngành nông nghiệp và khai khoáng đang mở rộng. Triển vọng gia tăng của ngành du lịch cũng được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn ở tiểu vùng này, nhất là tại Phi-gi và Pa-lau.
Dù vậy, lạm phát giá tiêu dùng trong khu vực được dự báo thấp hơn so với ước tính trước đó, nhờ sự ổn định của giá dầu và giá lương thực quốc tế bất chấp nhu cầu gia tăng, do có đủ nguồn cung và điều kiện thời tiết thuận lợi. Lạm phát giá hiện được dự kiến giảm còn 2,6% trong năm 2017 và 3,0% trong năm 2018, so với các mức dự báo ban đầu tương ứng là 3,0% và 3,2%.
ADB, có trụ sở chính tại Ma-ni- la, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB đang kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác phát triển trong khu vực. ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2016, tổng tài trợ của ADB là 31,7 tỷ USD, bao gồm 14 tỷ USD đồng tài trợ.
PLH