Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, đề ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới như xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng...
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…
|
|
Năng lượng tái tạo được Việt Nam ưu tiên phát triển. (Ảnh: ITN) |
Đáng chú ý, trong đó có chính sách giá điện hỗ trợ (Feed in tariff - FIT). Tuy nhiên, chính sách giá FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư.
Chính sách giá FIT gồm các quy định về: Giá điện ưu đãi với thời gian phù hợp đời sống dự án tạo tính minh bạch trong đánh giá tính khả thi; ưu tiên huy động điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo; áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu có thời hạn phù hợp.
Như vậy, để phát triển xanh theo xu thế chung của thế giới, dần thay thế nguồn năng lượng truyền thống, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương và có nhiều chính sách ưu tiên đối với năng lượng tái tạo.
|
|
Có giai đoạn, điện mặt trời phát triển ồ ạt do có những ưu đãi chính sách. (Ảnh: ITN) |
Tuy nhiên, cùng với những chính sách ưu đãi nêu trên đã kéo theo hệ lụy là sự phát triển ồ ạt của các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Cũng chính từ các ưu đãi mà chủ đầu tư, chính quyền địa phương và Bộ Công Thương - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực - đã lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế chính sách để trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước nhưng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Song điều đáng nói là sau hàng loạt các sai phạm được Thanh tra Chính phủ phanh phui, thì chính các doanh nghiệp đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, do dự án điện mặt trời vướng mắc về cơ chế pháp lý và cần được tháo gỡ.
Vấn đề đặt ra là tại sao năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển nhưng sau một thời gian triển khai thực hiện, đặc biệt là sau khi được thanh tra thì các dự án điện mặt trời lại gặp “nút thắt”, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản?
Qua thanh tra kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật
Thanh tra Chính phủ với chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật, đã chỉ đạo, đồng thời trực tiếp tiến hành nhiều cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được dư luận xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ.
Qua đó, cùng với việc đề nghị chấn chỉnh, khắc phục sai phạm; kiến nghị xem xét trách nhiệm, xử lý tổ chức, cá nhân thì Thanh tra Chính phủ còn có thẩm quyền: Đề nghị Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra; trường hợp đề nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
|
|
Thanh tra Chính phủ có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tại kết luận về Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra.
Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.
Những nội dung trên được nêu rõ tại Điều 3 Luật Thanh tra năm 2022: Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
ThanhtraVietNam sẽ điểm lại nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn, qua cuộc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh).