Lạng Sơn: Triển khai ý kiến của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ hai, 08/01/2024 12:00
(ThanhtraVietNam) – Theo yêu cầu báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quản lý từ Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công năm 2024. Trong đó, Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính được giao chủ động tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng tài sản công; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã quy định, việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng và được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công; có nhiệm vụ, quyền hạn trong Kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ.

Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật; kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý. UBND cấp tỉnh báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngày 12/12/2023, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 13687/BTC-QLCS về việc báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2023 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý tài sản công năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017;  các Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 01/11/2016, 32/CT-TTg ngày 10/12/2019, 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ…, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, dần đi vào nền nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc để xảy ra vi phạm.

Để có cơ sở tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý tài sản công năm 2024. Trong đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản công; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý tài sản công, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Sắp xếp, xử lý nhà, đất tại phải đúng phương án đã phê duyệt

Căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính, ngày 4/1/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lạng Sơn, Khai thác công trình thuỷ lợi Lạng Sơn căn cứ các quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý, thẩm quyền được giao khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công năm 2024.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến quản lý, khai thác nguồn lực tài sản công được chỉ ra trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về những điều Đảng viên không được làm, Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện những điều đảng viên không được làm. Tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, nội dung về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; tổ chức thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết, xác định giá cho thuê tài sản công theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
 Cùng với Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Lạng Sơn, Công ty Xổ số kiến thiết Lạng Sơn là doanh nghiệp được chỉ đạo thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công năm 2024. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Về công tác sắp xếp, xử lý nhà, đất tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND các huyện, thành phố cần tổ chức thực hiện xử lý theo đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Một là, xử lý dứt điểm trình trạng sử dụng chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích…); thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công, quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thẩm định giá và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công khi xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, xác định giá khởi điểm khi thực hiện phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Hai là, báo cáo, chuẩn hóa số liệu tình hình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 2635/BTC-QLCS ngày 22/3/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ba là, tăng cường xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp lại giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện giai đoạn 2023 - 2030 đảm bảo đúng thời hạn, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 771/CĐ-TTg ngày 29/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 9899/BTC-QLCS ngày 15/9/2023 của Bộ Tài chính, Công điện số 02/CĐ-BTC ngày 18/12/2023 của Bộ Tài chính.

Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính được giao chủ động tham mưu thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng tài sản công; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra