Thanh tra Bộ Y tế triển khai hiệu quả nhiều hoạt động thanh tra

Thứ năm, 16/05/2024 08:20
(ThanhtraVietNam) - Không những bám sát những vấn đề nổi cộm của ngành Y tế, hoạt động thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế còn vận dụng linh hoạt theo tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, từ đó đặt chất lượng, tiến độ thanh tra lên hàng đầu. Từ đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, góp phần quan trọng vào công tác quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Hoạt động thanh tra bám sát những vấn đề nổi cộm của ngành Y tế

Trong lĩnh vực y tế, những “nút thắt”, “điểm nghẽn” đã dần được giải quyết, trang thiết bị y tế được ngành Y tế đầu tư mua sắm đồng bộ, hiện đại đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), phòng chống dịch bệnh và các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, thúc đẩy triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao uy tín thương hiệu cho các cơ sở KCB. Đồng thời đáp ứng đầy đủ thuốc chữa bệnh phục vụ cho các cơ sở KCB.

Trong kết quả chung này, Thanh tra Bộ Y tế đã có những đóng góp quan trọng để nâng cao hiệu quả mua sắm, đấu thầu y tế công, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ công. Đây là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế, đã phát huy được sự chủ động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra Bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Bộ Y tế chia sẻ, Thanh tra Bộ đã chủ động tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ Y tế làm tốt công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra y tế, tiếp công dân; xử lý đơn thư; giải quyết  khiếu nại, tố cáo (KNTC); phòng chống tham nhũng, xác minh tài sản, thu nhập; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch thanh tra và triển khai đầy đủ theo kế hoạch góp phần hoàn thành công tác quản lý nhà nước của Bộ.

Các cuộc thanh tra được thực hiện tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về thanh tra, bám sát những vấn đề nổi cộm của ngành Y tế được quan tâm. Hoạt động của Thanh tra Bộ đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước thuộc ngành Y tế và các lĩnh vực liên quan khác được bổ sung, từng bước hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra và xử lý vi phạm.

Mục tiêu đặt hiệu quả công việc lên trên hết, trước hết, là thước đo để đánh giá công tác, Thanh tra Bộ khẳng định việc xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, hay vi phạm; tổ chức các đoàn thanh tra chuyên đề trên diện rộng để phát hiện các sơ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung; tích cực thực hiện phương châm phòng ngừa, hạn chế các sai phạm, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chất lượng, tiến độ là yêu cầu tiên quyết, hàng đầu

Với tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022 về lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, việc xây dựng định hướng chương trình kế hoạch thanh tra hằng năm đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ với địa phương và các cơ quan có liên quan.

Nội dung chương trình, kế hoạch thanh tra đã có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong ngành Y tế. Đồng thời, đảm bảo tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên phải gắn liền với việc đánh giá nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra và công bố Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật; trong quá trình thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, không được làm; góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Bộ Y tế. Ảnh: LA 

Cũng với tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ, trong hoạt động thanh tra, Trưởng các Đoàn thanh tra của Bộ Y tế có trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật, nhất là yêu cầu về tiến độ và chất lượng của cuộc thanh tra; có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức phân công, đôn đốc các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện các công việc của hoạt động Đoàn thanh tra theo đúng quyết định và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.

Phối hợp chặt chẽ với người được giao nhiệm vụ giám sát Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật về thanh tra; quản lý, giám sát các thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật và các quy chế có liên quan, nhất là trong quá trình thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; không được thanh tra vượt phạm vi, đối tượng, nội dung hoặc bỏ lọt, bỏ sót nội dung thanh tra trong Kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.

Vận dụng Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ trong triển khai các hoạt động thanh tra

Tại cơ quan Thanh tra Bộ Y tế, tiến độ và chất lượng cuộc thanh tra là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, là căn cứ thực hiện công tác tổ chức cán bộ; không thực hiện chính sách cán bộ đối với trường hợp cán bộ được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, nhất là có vi phạm trong quá trình thanh tra; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có vi phạm trong thực thi công vụ thanh tra theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước và các quy định về kỷ luật của Đảng.

Trong trường hợp để xảy ra những hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra, tùy theo tích chất, mức độ phải được xem xét, xử lý trách nhiệm trước hết thuộc về Trưởng đoàn thanh tra, sau đó là Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì các cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra, tiếp theo là phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên Đoàn thanh tra liên quan trực tiếp đến vi phạm; người giám sát, thẩm định, các thành viên còn lại và các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khác có liên quan đến cuộc thanh tra.

Theo Chánh Thanh tra Bộ Y tế, mặc dù Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ là về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ, nhưng đây là định hướng quan trọng, có tính chất gợi mở, là “sợi chỉ đỏ” để thanh tra bộ, ngành địa phương tham khảo, vận dụng, áp dụng. Việc ban hành Nghị quyết này sẽ giải quyết được những vấn đề lâu nay như việc dàn trải về nội dung và đối tượng thanh tra trong xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, thời hạn báo cáo kết quả thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra bị chậm, chưa làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, dẫn đến phần kiến nghị xử lý chưa đầy đủ hoặc chưa tương xứng…

Bên cạnh các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được quy định chặt chẽ, đầy đủ, thì việc ban hành Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ được xem như là “sổ tay” trong hoạt động thanh tra của bộ, ngành, địa phương nói chung và Thanh tra Bộ Y tế nói riêng.

Cùng với Định hướng chương trình thanh tra được Thanh tra Chính phủ phê duyệt, cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, và sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Y tế tin tưởng lực lượng thanh tra ngành Y tế sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thanh tra trong năm 2024 như: Thanh tra công tác công tác kiểm dịch y tế biên giới và hoạt động tiêm chủng; công tác quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; công tác đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; thanh tra trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế; công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh...

Trên thực tế, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thanh tra bộ Y tế đã tổ chức ra quân tiến hành thanh tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Hiện tại, một Đoàn thanh tra về bảo hiểm y tế đang triển khai tại tỉnh Sơn La; một Đoàn thanh tra đã có Quyết định và Kế hoạch chuẩn bị tiến hành tại tỉnh Lạng Sơn. Thanh tra Bộ Y tế cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt Kế hoạch thanh tra 2024 với tiến độ và chất lượng cao nhất, đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Thanh tra Bộ Y tế cũng sẽ thực hiện thanh tra các vấn đề dư luận quan tâm khác như các công tác: Quản lý nhà nước về tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt “phân phối thuốc” và “bán lẻ thuốc”, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; quản lý chất lượng thuốc; quản lý thuốc đặc biệt; thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, công bố, phân loại lưu hành, kinh doanh trang thiết bị y tế; kinh doanh, quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế…/.
Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra