Thanh tra, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản ở Lạng Sơn

Thứ ba, 09/05/2023 10:08
(ThanhtraVietNam) - Sau yêu cầu báo cáo công tác quản lý, cấp phép, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2019 - 2021 từ Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản và kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, nhất là cấp xã, khi để xảy ra khai thác trái phép kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương có vi phạm

Ngày 4/5/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phát đi văn bản giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, cho phép.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản...

Đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây mất an toàn lao động; gây tổn thất lớn khoáng sản; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, di sản địa chất.

Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng không đúng thiết kế được phê duyệt.

Sở Công Thương thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm đối với hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là đối với mỏ đá làm vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng thông thường; tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ, thu hồi Giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân khai thác mất an toàn lao động.

Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác khoáng sản trái phép.

UBND các huyện, thành phố phải kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
 Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tuyên truyền, phổ biến quy phạm pháp luật mới về khoáng sản. Ảnh: NT

Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh với hành vi vi phạm

Đáng chú ý, Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phát huy vai trò của báo chí, nhất là định hướng thông tin mạng xã hội trong việc đấu tranh phê phán, lên án đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh tài nguyên khoáng sản.

Tháng 8/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn từng chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản nhưng nhiệm vụ phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí được giao cho Sở Tư pháp.

Khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có “Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh” để bảo đảm căn cứ pháp lý thực hiện cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm cung cấp nguyên, vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch tỉnh, trong đó có “Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.

Năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn.

Theo quyết định số 34/2020/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu ký ngày 13/8/2020, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh này đưa ra khỏi quy hoạch 27 điểm mỏ, với tổng diện tích là 821,25 ha (6 mỏ đá vôi, 18 mỏ đất san lấp, 2 mỏ đất sét, 1 mỏ cát, sỏi); điều chỉnh quy mô diện tích 22 điểm mỏ (2 mỏ đá vôi, 5 mỏ đất san lấp, 15 mỏ cát, sỏi), với tổng diện tích 1094,45 ha; bổ sung vào quy hoạch 8 điểm mỏ, với tổng diện tích 99,46 ha (5 mỏ đá vôi, 1 mỏ đất sét, 2 mỏ cát, sỏi).

Giai đoạn 2021- 2025, đưa ra khỏi quy hoạch 4 điểm mỏ, với tổng diện tích là 135,31 ha (2 mỏ đá vôi, 1 mỏ đất san lấp, 1 mỏ cát, sỏi); điều chỉnh quy mô diện tích, giai đoạn của quy hoạch 10 điểm mỏ (1 mỏ đá vôi, 1 mỏ đất san lấp, 8 mỏ cát, sỏi), với tổng diện tích 463,74 ha (8 điểm mỏ điều chỉnh diện tích, 2 điểm mỏ điều chỉnh từ giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang); bổ sung vào quy hoạch 24 điểm mỏ, với tổng diện tích 482,72 ha (3 mỏ đá vôi, 19 mỏ đất san lấp, 2 mỏ cát, sỏi).

Theo số liệu tại quyết định, sau điều chỉnh Quy hoạch, giai đoạn 2016 – 2020, tại Lạng Sơn, tổng số điểm mỏ là 89 điểm mỏ, với tổng diện tích 1.856,82 ha; giai đoạn 2021 – 2026, tổng số điểm mỏ là 106 điểm mỏ, với tổng diện tích 2.153,37 ha và giai đoạn 2026-2030, tổng số điểm mỏ là 88 điểm mỏ, với tổng diện tích 2.914,49 ha.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra