|
|
Tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường quyết tâm phấn đấu xây dựng Trường Cán bộ Thanh tra ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp chung của ngành. |
Trường Cán bộ Thanh tra từng bước đổi mới, đáp ứng yêu cầu, xu thế tự chủ. Từ đơn vị SNCL được Nhà nước cấp 100% ngân sách; năm 2009, được xác định là đơn vị SNCL tự chủ một phần và đến năm 2020 trở thành đơn vị SNCL đảm bảo chi thường xuyên. Đây là nỗ lực rất lớn từ đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của nhà trường, trong đó không thể không nhắc đến sự chủ động, sáng tạo, đổi mới trong “Quản trị nguồn lực” của lãnh đạo nhà trường. Với phương châm “lấy học viên làm trung tâm để phục vụ”, hoạt động theo quy chế, làm việc theo quy trình; điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành để xây dựng nhà trường từng bước ổn định và phát triển bền vững.
Thứ nhất, về quản trị nguồn nhân lực:
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thanh tra chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, Trường Cán bộ Thanh tra đang hướng tới xây dựng nhà trường trở thành cơ sở chuyên nghiệp, hiện đại, là đơn vị uy tín hàng đầu trên cả nước trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, cũng như đảm bảo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên.
Với phương châm “lấy học viên làm trung tâm để phục vụ”, hoạt động theo quy chế, làm việc theo quy trình; điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành để xây dựng Trường Cán bộ Thanh tra từng bước ổn định và phát triển bền vững.
|
Trên cơ sở những định hướng trên, thời gian qua, nhà trường đã từng bước chủ động rà soát, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; luân chuyển, điều động nhân sự giữa các phòng, khoa, trung tâm hợp lý, đảm bảo cân đối giữa lực lượng giảng dạy và đội ngũ viên chức chuyên môn, phát huy năng lực cá nhân, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện mục tiêu chung của nhà trường.
Từ 8 đơn vị cấp phòng, sau khi thực hiện sắp xếp lại, nhà trường còn 7 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị (Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng Nha Trang) là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch theo sự ủy quyền và phân cấp quản lý tài chính, kế toán của Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra và theo quy định pháp luật; có giám đốc, phó giám đốc, viên chức và người lao động. Hiện nay, tổng số lượng người làm việc tại trường là 63 người, trong đó, 56 công chức, viên chức và 7 lao động hợp đồng, được bố trí, sắp xếp công việc theo đúng Đề án Vị trí việc làm.
Khẳng định vị trí, vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của Trường Cán bộ Thanh tra, trong thời gian qua, Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xác định đây là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng, từ đó đã ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch cụ thể áp dụng đối với từng nhóm đối tượng viên chức. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đơn vị. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính đến năm 2022, nhà trường có 34 người đạt trình độ sau đại học (chiếm 54%), 22 cử nhân (chiếm 35%). Về trình độ lý luận chính trị, tính đến năm 2022, nhà trường có 17 người đạt cao cấp lý luận chính trị (chiếm 27%), 1 người đạt trung cấp lý luận chính trị (chiếm 1,58%) và trình độ sơ cấp lý luận chính trị là 38 người (chiếm 60,31%).
Hiện nay, nhà trường cũng đang tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với đội ngũ viên chức nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ công tác. Đây được coi là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai góp phần to lớn vào quản lý, phát triển nhà trường. Từ thực tiễn công tác cho thấy, đại đa số đội ngũ viên chức có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tư duy, phong cách làm việc hiệu quả, tích cực, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn trong từng hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ.
Phát huy những kết quả tích cực và tiếp tục nâng cao hiệu quả mọi mặt chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị sự nghiệp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), thời gian tới, Trường Cán bộ Thanh tra tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng đa dạng các phương thức, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, tuyển chọn viên chức quản lý đảm bảo theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, dân chủ và tính cạnh tranh trong tuyển dụng, tuyển chọn viên chức quản lý.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, đánh giá chất lượng và xây dựng kế hoạch sắp xếp đội ngũ viên chức phù hợp vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, tinh giản, gọn nhẹ đảm bảo chất lượng, cơ cấu, số lượng. Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức gắn với quy hoạch vị trí việc làm, chú trọng công tác đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin và đạo đức công vụ.
Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện thường xuyên và theo kế hoạch đào tạo của trường; chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng cần phải dựa trên nhu cầu và chức danh, vị trí công tác thực tế nhằm đảm bảo sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng viên chức sẽ áp dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng vào việc giải quyết các nhiệm vụ được giao, kết hợp với đẩy mạnh việc tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước, đặc biệt là những trường có uy tín, chất lượng cao để cử viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm theo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của trường.
Thứ hai về quản trị tài chính, tài sản:
Công tác quản trị tài chính, tài sản công nói chung và tại đơn vị SNCL nói riêng đặt ra yêu cầu mới trong quản trị tài chính, tài sản với mục tiêu nâng cao hiệu quả, tạo nguồn thu, xây dựng nền tảng tài chính bền vững đáp ứng yêu cầu tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính.
Xác định rõ yêu cầu đó, Trường Cán bộ Thanh tra đã chủ động hoạch định, xác định rõ mục tiêu, phương hướng trong quản trị tài chính theo hướng: (i) xây dựng tài chính, nguồn thu lành mạnh bền vững với trọng tâm phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng xã hội có nhu cầu, phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, mở rộng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; (ii) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tối ưu hóa chi phí; (iii) sử dụng tài sản vào hoạt động của đơn vị hợp lý, gắn liền với việc khai thác hiệu quả, tối ưu hóa tài sản còn dôi dư, chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết công suất; (iv) tổ chức hạch toán đúng, đủ theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt cho hoạt động quản lý điều hành.
Đối với nội dung về tài chính, một mặt xây dựng nguồn thu, mở rộng nguồn thu bền vững thì mặt khác việc sử dụng nguồn thu một cách phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả được đặt ra và xử lý triệt để. Đối với nội dung tài sản, một mặt là sử dụng hợp lý tài sản phục vụ hoạt động của nhà trường theo hướng tối ưu hóa, khai thác hiệu quả tài sản dôi dư, tài sản sử dụng không hết công suất, mặt khác quản lý, mua sắm bổ sung tài sản một cách hợp lý, thực hiện tốt việc bảo trì, bảo dưỡng tăng tuổi thọ tài sản, tránh những hỏng hóc, rủi ro lớn trong quá trình sử dụng tài sản.
Từ nhận thức cụ thể như trên, ban giám hiệu nhà trường đã sớm triển khai việc xây dựng hàng loạt các quy trình, quy chế, quy định về quản lý tài chính, tài sản với những nội dung, kỹ thuật phong phú, vừa phù hợp với hoàn cảnh của nhà trường, vừa quản lý tốt, hiệu quả nguồn lực, vừa tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có thể kể đến: (i) Quy chế làm việc Trường Cán bộ Thanh tra kèm theo bản phân công vị trí việc làm của từng phòng, khoa, đơn vị; (ii) Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm công khai, minh bạch hoạt động của đơn vị; (iii) Quy chế chi tiêu nội bộ; (iv) Quy chế đánh giá, xếp loại lao động hàng tháng; (v) Quy chế quản lý tài chính; (vi) Quy chế quản lý tài sản Trường Cán bộ Thanh tra; (vii) Quy định về tạm ứng, thanh, quyết toán...
|
|
Tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường quyết tâm phấn đấu xây dựng Trường Cán bộ Thanh tra ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp chung của ngành. |
Trên cơ sở các quy định, quy chế, ban giám hiệu nhà trường tổ chức phân công nhiệm vụ, đào tạo, lãnh đạo đội ngũ cán bộ, viên chức tiến hành thực hiện các mục tiêu, định hướng nêu trên. Cụ thể:
Với định hướng, mục tiêu xây dựng tài chính, nguồn thu lành mạnh bền vững, trọng tâm phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng xã hội có nhu cầu, phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, mở rộng đối tượng và đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Từ chỗ chỉ thực hiện những chương trình đào tạo, bồi dưỡng căn bản như: Chương trình thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, thanh tra chuyên ngành, nhà trường đã từng bước bổ sung thêm các chương trình mới như: Chương trình bồi dưỡng kỹ năng tiếp công dân, bồi dưỡng kỹ năng trưởng đoàn thanh tra, bồi dưỡng kỹ năng thanh tra đầu tư xây dựng cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng thanh tra tài chính doanh nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra bảo hiểm xã hội...
Nhằm tiếp cận với nhiều đối tượng học hơn, nhà trường cũng đa dạng hóa hình thức học, đến nay, nhà trường thực hiện cả hình thức đào tạo, bồi dưỡng online, linh hoạt về thời gian học tập, đã thu hút không ít đối tượng học viên. Song song với việc phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường cũng tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, hoạt động giảng dạy với chương trình, tài liệu, giáo trình thường xuyên được đánh giá, cập nhật phù hợp với thực tiễn; đội ngũ giảng viên luôn tham gia các hoạt động nghiên cứu, hoạt động khoa học, chủ động học tập nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn.
Chính việc phát triển, mở rộng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, mở rộng đối tượng học, nâng cao chất lượng giảng dạy là tiền đề quan trọng tạo ra nguồn thu ổn định, lành mạnh cho nhà trường. Đồng thời, nhà trường cũng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tối ưu hóa chi phí.
Đáng chú ý, thời gian qua, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xác định tài sản đất đai, công trình dôi dư, sử dụng chưa hết công suất để xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của Trường Cán bộ Thanh tra, lấy ý kiến của Bộ Tài chính trước khi trình Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 822/QĐ-TTCP ngày 15/11/2019. Với đề án này, Trường Cán bộ Thanh tra là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong thực hiện việc xây dựng và được phê duyệt. Đây là văn bản pháp lý quan trọng làm căn cứ khai thác hiệu quả tài sản của nhà trường. Đến nay, khoảng 80% tài sản xác định thực hiện liên doanh, liên kết tại trụ sở chính theo đề án đã được thực hiện, dự kiến mỗi năm tăng thu đáng kể cho đơn vị.
Để hoạt động quản trị đạt hiệu quả cao hơn nữa, Trường Cán bộ Thanh tra đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể, cần mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với Trường Cán bộ Thanh tra theo hướng toàn diện; trước mắt là phân cấp quyết định mức thu học phí, giá dịch vụ, mở rộng phân cấp quyết định sử dụng nguồn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp cho các hoạt động phát triển của nhà trường.
Mặt khác, xác định rõ cơ chế đặt hàng của Nhà nước theo hướng Thanh tra Chính phủ tổng hợp nhu cầu và nhận ủy quyền của các bộ, ngành, địa phương để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn cơ chế tính khấu hao, trích khấu hao theo hướng tạo điều kiện để đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính đảm bảo được nguồn tài chính để duy tu, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chuyên môn, cũng như khuyến khích, động viên, thu hút lao động có trình độ cao./.