Chuyên đề góc nhìn thanh tra về đánh giá hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Agribank - Nhà đầu tư lớn của “Tam nông”

Thứ sáu, 02/06/2023 09:20
(ThanhtraVietNam) - Từ một đơn vị nhỏ bé, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, với tổng tài sản hiện đạt 1,77 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt 1,62 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,39 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng đầu tư “Tam nông” của Agribank luôn chiếm trên 65%/tổng dư nợ nền kinh tế - lớn nhất trong thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Cứu cánh của nông dân…

Là nhà đầu tư lớn của khu vực “Tam nông”, Agribank sẵn sàng chia sẻ lợi ích của mình mỗi khi bà con gặp khó khăn. Chính vì thế, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp đã mau chóng vực dậy sản xuất, kinh doanh với chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời của Agribank sau 2 năm lao đao vì dịch Covid-19.

Với dư nợ 3 - 5 tỷ đồng và chính sách giảm 10% lãi suất hiện hành của Agribank, ông Cao Văn Đà, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã duy trì chuồng trại nuôi heo và tái đàn cho trang trại chăn nuôi gà 15.000m2 với năng suất 60.000 con/lứa. Theo ông Cao Văn Đà, sau dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi, con giống và nhân công đều tăng nhưng nhờ có hợp đồng 3 bên với đối tác thu mua sản phẩm và đối tác cung ứng vật tư nên trang trại của ông Đà không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện, ông Đà đang tiếp tục đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng thêm một cơ sở trang trại khác quy mô lên tới 30.000m2 chuồng trại hiện đại, theo quy trình công nghệ cao, kết hợp với hệ thống năng lượng mặt trời, vừa cung cấp phục vụ trang trại chăn nuôi, vừa bán điện lưới.

leftcenterrightdel
Sự hỗ trợ kịp thời của Agribank đã giúp ông Cao Văn Đà ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vực dậy nhanh chóng sau đại dịch 

Cũng giống như trại gà của ông Đà, những bè nuôi trồng thủy sản ngoài khơi đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hay các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng ở Long Khánh, Đồng Nai đang hồi phục trở lại sau dịch bệnh nhờ chính sách hỗ trợ vốn vay của ngân hàng. Ông Huỳnh Văn Thảo, chủ bè ở đảo Lý Sơn cho biết, cá mú, cá bớp, tôm hùm đều đã được thả nuôi lại trong 60 lồng nuôi của gia đình sau một thời gian “treo lồng”.

“Lứa trước bù lứa sau, gối đầu liên tục, một bè gối 4 - 5 lứa cua, cá, tôm, toàn loại đặc sản nên vốn đầu tư nhiều lắm. Đa phần đều phải vay ngân hàng, nhất là thời điểm cần thúc cá để chuẩn bị xuất bán, phải đầu tư cho ăn mồi nhiều để đạt trọng lượng yêu cầu. Trong khi đó, giá thức ăn mấy bữa nay tăng cao, từ 10.000 đồng/kg, nay tăng lên 15.000 đồng/kg. Nếu không có chính sách hạ lãi suất của ngân hàng thì còn khó khăn nữa” - ông Thảo cho biết.

Được biết, hơn 50 bè cá, mỗi bè bình quân 30 - 60 lồng nuôi, toàn bộ khu vực nuôi trồng thủy sản ở đảo Lý Sơn đều sử dụng nguồn vốn vay của Agribank Lý Sơn - ngân hàng thương mại đầu tiên đóng chân trên địa bàn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những lồng bè san sát nơi trùng khơi biển đảo đang nhộn nhịp từng ngày cho thấy sức sống và sự phát triển đầy tiềm năng của biển đảo quê hương...

… và doanh nghiệp

Thời điểm này là lúc các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ truyền thống ở Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chuẩn bị hàng hóa để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, làng nghề gần như đóng cửa và người làm nghề chỉ mong cầm cự để thoát khỏi dịch bệnh. “Nhưng đây là lúc chúng tôi vực dậy” - ông Hoàng Văn Cương, chủ hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ tại làng nghề Hố Nai cho biết.

Cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương, đặc biệt là nguồn vốn từ Agribank với lãi suất ưu đãi, kịp thời cho đợt nhập nguyên liệu phục vụ thị trường tết, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đồ gỗ Hố Nai đang hối hả sản xuất với đầy kỳ vọng. Một vài chủ hộ cho biết, đặc thù nghề gỗ cần nguồn vốn rất lớn để nhập nguyên liệu. Những hộ uy tín, đều có mối mua chịu nguyên liệu nhưng nếu có sẵn vốn, sẽ được mua giá rẻ hơn.

“Kể cả vốn đó vay từ ngân hàng thì người kinh doanh vẫn có lãi, nên chúng tôi lúc nào cũng cần vốn và chả dại gì không vay nếu Agribank cho vay” - ông Cương vui vẻ nói.

Khác với các hộ sản xuất đồ gỗ truyền thống, Công ty TNHH sản xuất - thương mại và dịch vụ Toàn Tâm Phát ở Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai lại tập trung vào những sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao chuyên xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ…

Ông Trần Văn Thặng, Phó giám đốc Công ty cho biết, ngoài những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình trạng lạm phát toàn cầu đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi chi phí vận chuyển tăng nên số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm tới 50%. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Agribank, Công ty vẫn tự tin vay vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mới, có diện tích hàng nghìn mét vuông, với dây chuyền công nghệ hiện đại trong Khu công nghiệp Hố Nai.

Không dừng lại việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong nước; với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Agirbank cũng đồng hành và chia sẻ khó khăn với mục tiêu cao nhất là doanh nghiệp phục hồi, công nhân có việc làm, kinh tế phát triển. Chính vì vậy, 600 công nhân tại Công ty TNHH Inni Home ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vẫn duy trì sản xuất, dù đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ của công ty giảm tới 50%.

Bà Zhang Ying, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Inni Home cho biết, nếu như năm 2020 và năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu luôn duy trì từ 1 - 1,2 triệu USD/tháng thì thời điểm này chỉ còn 600.000 - 700.000 USD/tháng. Trước thực trạng này, Agribank đã chia sẻ với Inni Home bằng cách giảm lãi suất vay ngoại tệ từ 3,6%/năm xuống còn 3%/năm.

“Sự chia sẻ và đồng hành của ngân hàng và đặc biệt là sự hỗ trợ cả ở những dịch vụ ngoài tín dụng như tư vấn chính sách đất đai, thuế, kết nối với chính quyền địa phương để hỗ trợ giải quyết những vấn đề vướng mắc với doanh nghiệp, chính là lý do để chúng tôi gắn bó với Agribank từ năm 2013 đến nay” - bà Zhang Ying nói.

Thanh Bình

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra