Giải quyết kịp thời khiếu nại của dân
Đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 436 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền (giảm 255 vụ so với cùng kỳ); các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 391/436 đơn, đạt tỷ lệ 89,7%. Trong đó, khiếu nại đúng 27 đơn (chiếm tỷ lệ 6,9%), khiếu nại sai 335 đơn (chiếm tỷ lệ 85,7%), còn lại là khiếu nại đúng một phần (chiếm tỷ lệ 7,4%).
Ngoài ra, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp 1.786 lượt công dân với 939 người (giảm 26 lượt so với cùng kỳ), tiếp nhận 920 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
|
|
Một buổi đối thoại của lãnh đạo tỉnh với công dân (ảnh:haugiang.gov.vn) |
Thời gian qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là 2 dự án cao tốc và Khu công nghiệp Sông Hậu, mặc dù các địa phương đã chủ động áp dụng nhiều chính sách có lợi cho người dân, nhưng vẫn có nhiều trường hợp khiếu nại, phản ánh, kiến nghị liên quan đến công tác thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
Điển hình, vụ việc của bà Nguyễn Thị Nhơn, ngụ thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành có khiếu nại quyết định của UBND huyện Châu Thành đến UBND tỉnh. Theo khiếu nại, bà Nhơn bị thu hồi đất do ảnh hưởng dự án Khu tái định cư Mái Dầm, tuy nhiên chỉ được hỗ trợ 70% giá trị nhà nên bà Nhơn yêu cầu nâng lên mức 100%. Khi Sở Tài nguyên và Môi trường đến xác minh, được biết hộ bà Nhơn có phần nhà diện tích 179m2 xây dựng vào năm 2018; vào thời điểm gia đình xây dựng lại không xin giấy phép xây dựng theo đúng quy định, do đó, khi thu hồi đất chỉ được hỗ trợ mức 70% giá trị.
Tại buổi đối thoại với bà Nhơn, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp trao đổi và giải thích các quy định pháp luật với hộ dân, phía bà Nhơn cũng trình bày hoàn cảnh, nhưng sau đó đã đồng thuận với giải quyết của chính quyền và rút đơn khiếu nại.
Trước đó vào tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh đã chủ trì buổi đối thoại với hộ ông Nguyễn Thanh Nam và bà Nguyễn Thị Diễm Hương, ngụ ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú cùng khiếu nại, yêu cầu được giao đất ở tái định cư, do bị ảnh hưởng dự án Khu công nghiệp sông Hậu. Các hộ dân cho rằng, khi triển khai dự án các hộ bị giải tỏa nhà, nhưng không được giải quyết tái định cư, trong khi đó địa phương cho rằng các hộ trên hiện không sinh sống trên phần nhà bị giải tỏa, vì vậy không đủ điều kiện giải quyết tái định cư.
Sau một buổi trao đổi và lắng nghe ý kiến của hộ dân, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị địa phương cần tiến hành họp dân, xác định rõ việc các hộ trên có sinh sống thực tế tại căn nhà bị giải tỏa hay không, từ đó báo cáo đến UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Hậu Giang Lưu Ngọc Đông, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã quan tâm trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân để giải thích về các chính sách, pháp luật, qua đó tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, kịp thời xử lý vụ việc, hạn chế phát sinh thành “điểm nóng”. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại gắn với giải thích pháp luật, có nhiều trường hợp công dân thông hiểu và tự nguyện rút đơn khiếu nại. Dự báo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các dự án để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Đi liền với chủ trương thực hiện dự án là công tác thu hồi đất và thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Trong khi đó, pháp luật về đất đai sẽ có nhiều thay đổi khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024;... Từ đó, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo có thể tiếp tục phát sinh và diễn biến phức tạp tại các dự án.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh cần sớm giải quyết các khiếu nại của công dân đảm bảo về thời gian theo luật định. Với các trường hợp đã họp xét khiếu nại cần sớm sắp xếp tổ chức đối thoại để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, việc chọn lựa, bố trí cán bộ, công chức tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, là rất quan trọng. Các địa phương cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.