Một số quy định về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ tư, 07/12/2022 15:48
(ThanhtraVietNam) - Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đáng chú ý là các quy định về vay vốn không cần tài sản thế chấp.

Khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nêu: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống các biện pháp, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP tại Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010.

5 năm sau, vào ngày 9/6/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với các quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định này chưa bao gồm chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Đến ngày 7/9/2018, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2018. Sau đó, Thông tư số 25/2018/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-NHNN.

Như vậy chỉ trong hơn 8 năm, Chính phủ đã ban hành tới 3 Nghị định và đi kèm với đó là các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Hiếm thấy lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong quãng thời gian này.

leftcenterrightdel
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là khách hàng được vay vốn theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Ngô Tân 

Ủy thác tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiệp vụ tín dụng

Theo văn bản hợp nhất số 17/VBHN-NHNN ngày 25/9/2018 Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) là cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ trang trại và các pháp nhân bao gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn ngoại trừ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai khoáng, sản xuất điện…

Các lĩnh vực cho vay gồm: chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn; các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

Chính phủ có chính sách khuyến khích việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua hỗ trợ nguồn vốn, sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách xử lý rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chính sách khác trong từng thời kỳ.

Nguồn vốn cho vay gồm: nguồn vốn tự có và huy động của TCTD; vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn ủy thác của Chính phủ để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.

Căn cứ vào phương án, dự án sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng phương thức và quy trình thủ tục cho vay phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng như cho vay lưu vụ, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay từng lần và các phương thức cho vay khác phù hợp với quy định pháp luật.

TCTD có thể ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu của nghiệp vụ tín dụng khi cho vay đối với khách hàng.

Đáng chú ý, Nghị định quy định, trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; đồng thời căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.

Trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được TCTD đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho tổ chức tín dụng, UBND cấp tỉnh tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; thời gian khoanh nợ tối đa là 2 năm (một số trường hợp là 3 năm).

Khách hàng được vay không có tài sản đảm bảo

TCTD thực hiện cho vay đối với khách hàng phải đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định này; được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật theo chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết và chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp.

Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tối đa 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản.

Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho TCTD cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận.

Về chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, Nghị định quy định, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.

Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các tài sản khác làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra