Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ

Thứ tư, 27/11/2024 10:00
(ThanhtraVietNam) - Dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2025 tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện.

Định hướng các lĩnh vực sẽ thanh tra trong năm 2025

Những lĩnh vực vào “tầm ngắm” của Thanh tra Chính phủ

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng

Nhiều tiến bộ, tích cực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân

Hoàn thiện pháp luật, chấn chỉnh quản lý

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Theo đó, giai đoạn tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện pháp luật và chấn chỉnh quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; qua đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn, là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản…

Trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp công dân và thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định; tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, làm việc với các cơ quan, đơn vị và tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở; phối hợp rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện đông người lên trung ương.

Các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định và coi trọng quyền lợi của người khiếu nại, tố cáo; quan tâm bảo vệ thông tin của người tố cáo theo quy định.

Việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc người khiếu kiện đến các cơ quan trung ương tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, đối thoại với mục tiêu giải quyết dứt điểm vụ việc; qua đó, nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết nghiêm minh, khách quan, đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước.

Việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến được Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
 Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trình bày Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội. Ảnh: Nam Anh

Các giải pháp cần tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt

Năm 2025, các cấp, các ngành phấn đấu giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự và chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%...

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Chính phủ dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

Khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn, nhất là ở các địa phương đã và đang thực hiện các dự án đầu tư công lớn, có tốc độ đô thị hóa cao và có nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chính phủ xác định sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo nên các bộ ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân; sơ kết việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và các giải pháp xử lý loại vụ việc này trong thời gian tới.

Hướng dẫn triển khai có hiệu quả Định hướng chương trình thanh tra năm 2025 đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh khiếu nại, tố cáo, thanh tra công vụ, cải cách hành chính để chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, yếu kém, vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Theo thẩm quyền thanh tra toàn diện về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp tại các công ty nông, lâm nghiệp, tập trung giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Ba là, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật nói chung và liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Đối với các văn bản pháp luật đã ban hành trong thời gian qua cần tổ chức quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức và tuyên truyền, phổ biến trong Nhân dân sớm đưa luật vào cuộc sống, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Đồng thời, quan tâm phối hợp, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Bốn là, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và những vụ việc Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng của trung ương đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết. Khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài để tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện.

Năm là, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất, thường xuyên theo quy định.

Làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động và tham gia quản lý, giám sát…

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra