Chính vì căn bệnh sợ trách nhiệm, mà một số nơi đã có tình trạng thực thi nhiệm vụ công vụ cầm chừng, ách tắc cục bộ; cán bộ, công chức không dám thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ có liên quan đến quản lý tài nguyên môi trường, tài chính kế toán, việc giải ngân vốn, đấu thầu mua sắm tài sản công hoặc thực hiện các dự án đầu tư công…
Đồng thời, phát sinh một bộ phận cán bộ, công chức “chạy chọt” để né tránh một số vị trí công tác “nhạy cảm” liên quan đến kinh tế, tài nguyên, năng lượng,... khi được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm. Nguyên nhân của tình trạng sợ trách nhiệm là do thời gian qua nhiều cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có sai phạm trong công tác.
Thực tế hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, đã bao quát, điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt vẫn còn những quy định có nhiều cách hiểu khác nhau nên một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm vì sợ sai, sợ chịu trách nhiệm.
Chính vì thế, nhiều địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, thường xuyên gửi công văn xin hướng dẫn, chỉ đạo của bộ, ngành ở Trung ương. Song rất nhiều văn bản được bộ, ngành phúc đáp theo kiểu trích dẫn điều khoản,… một cách chung chung, không rõ ràng, cụ thể nên không giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập.
|
|
Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Đây là một trong những biểu hiện đùn đẩy, né trách, sợ trách nhiệm, tuy không phổ biến nhưng có dấu hiệu tăng lên trong thời gian qua. Đồng thời, cũng là nguyên nhân dẫn đến việc “ách tắc” trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức ở địa phương, là nguyên nhân căn bản của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Bên cạnh đó, hiện nay, mặc dù nhiều Luật tuy đã có hiệu lực pháp luật nhưng các địa phương vẫn phải chờ văn bản dưới luật (như nghị định, thông tư, nghị quyết HĐND, quyết định của UBND các cấp) và các văn bản hướng dẫn thi hành của bộ, ngành Trung ương thì mới triển khai thực hiện. Do đó, nhiều Luật mặc dù đã có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn, chưa trực tiếp đi vào cuộc sống và xuất hiện tư tưởng của cán bộ, công chức đó là trong chờ văn bản dưới Luật hơn là trực tiếp triển khai Luật.
Để thực hiện có hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, các bộ, ngành, địa phương cần phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Mặt khác, cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Việc cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, đúng hướng và toàn diện. Nó khác hoàn toàn với việc dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng không vì lợi ích chung. Những việc làm chỉ mang tính cục bộ, lợi ích cá nhân, thiếu cơ sở khoa học, đặc biệt là vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…, gây thiệt hại cho xã hội thì pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc. Ngược lại, cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, không vì lợi ích riêng, không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội… thì phải được đánh giá, ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng.
Đội ngũ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng hợp lý để khuyến khích họ tiếp tục sáng tạo, đổi mới và cống hiến vì sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước./.