Dạy thêm, cấm hay không cấm?
Hàng loạt quy định về thanh tra các nội dung từ tuyển sinh, quản lý người học, sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học, cho đến chuẩn đào tạo và tài chính trong giáo dục đều đáng chú ý. Nhưng dạy thêm, học thêm vẫn là câu chuyện thu hút nhiều sự quan tâm nhất bởi nó gắn liền với những vấn đề cốt lõi của hệ thống giáo dục: chất lượng dạy học, công bằng giáo dục và cả thu nhập của giáo viên.
Chủ trương của ngành giáo dục từ lâu đã là hạn chế hoặc cấm dạy thêm, học thêm tràn lan, đặc biệt là trong trường học. Trước đây, cũng đã có quy định nghiêm cấm giáo viên ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, dạy thêm vẫn tồn tại như một nhu cầu thực tế của xã hội.
Lý do rất đơn giản, chương trình học ở trường đôi khi chưa đủ để học sinh lĩnh hội kiến thức, đặc biệt với những em có định hướng thi cử quan trọng. Nếu giáo viên không dạy thêm, phụ huynh vẫn sẽ tìm đến các trung tâm, gia sư bên ngoài. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Cấm đoán chưa bao giờ là giải pháp tối ưu nếu không đi kèm với việc nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa.
Có hai nguyên nhân chính khiến dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại và khó quản lý triệt để: Nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Không thể phủ nhận thực tế là nhiều học sinh thực sự cần học thêm. Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay có nhiều nội dung khó, trong khi thời lượng giảng dạy chính khóa lại hạn chế. Các kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học vẫn đòi hỏi học sinh phải có nền tảng kiến thức vững chắc. Dù trường học có dạy đủ chương trình, thì áp lực điểm số và sự cạnh tranh cũng khiến phụ huynh muốn con mình học thêm để chắc chắn không bị tụt lại.
Nguyên nhân thứ 2 là thu nhập của giáo viên. Lương giáo viên, đặc biệt là ở bậc phổ thông, chưa thực sự cao so với mặt bằng chung. Nhiều giáo viên giỏi có chuyên môn tốt, tận tâm với nghề, nhưng nếu chỉ dựa vào lương chính thức thì khó đảm bảo cuộc sống. Do đó, dạy thêm trở thành một nguồn thu nhập quan trọng. Nếu không có những chính sách đãi ngộ hợp lý, việc cấm dạy thêm chẳng khác nào cắt đi một nguồn thu nhập thiết yếu của giáo viên mà không có phương án thay thế hợp lý.
|
|
Thông tư 28 yêu cầu thanh tra chặt chẽ việc quản lý dạy thêm, học thêm. Ảnh chỉ mang tính minh họa: L.A |
Thanh tra có giải quyết được tận gốc vấn đề
Thông tư 28 yêu cầu thanh tra chặt chẽ việc quản lý dạy thêm, học thêm, nhưng bài toán đặt ra là, thanh tra sẽ kiểm soát thế nào để vừa đảm bảo thực thi đúng quy định, vừa không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh, giáo viên và phụ huynh?
Nếu kiểm soát chặt chẽ mà không có giải pháp thay thế, học thêm vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng sẽ "chuyển hóa" sang hình thức khác như học nhóm tại nhà, học online, hay các trung tâm bồi dưỡng ngoài nhà trường. Khi đó, việc quản lý càng khó khăn hơn.
Nếu cấm triệt để nhưng chương trình giảng dạy không có sự cải thiện về chất lượng và thời lượng, học sinh sẽ vẫn gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt là những em có nhu cầu ôn luyện nâng cao.
Nếu muốn dạy thêm trở nên minh bạch và có kiểm soát, cần có cơ chế cấp phép hợp lý, quy định rõ ràng về học phí và quyền lợi của học sinh, giáo viên, thay vì một lệnh cấm cứng nhắc dễ bị "lách luật".
Vậy, giải pháp nào cho bài toán dạy thêm? Theo tôi, thay vì chỉ tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, ngành giáo dục nên cân nhắc đến những giải pháp dài hạn hơn như, nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học. Nếu học sinh có thể tiếp thu tốt kiến thức ngay trên lớp, không còn cảm giác "học không đủ", thì nhu cầu học thêm sẽ tự giảm. Muốn vậy, chương trình giáo dục cần được thiết kế hợp lý, tránh quá tải, đồng thời có những phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, công khai, minh bạch hóa việc dạy thêm. Thay vì cấm đoán, có thể cấp phép và quản lý việc dạy thêm theo hướng hợp pháp, đảm bảo học phí minh bạch, không có tình trạng ép buộc. Giáo viên có thể đăng ký mở lớp dạy thêm ngoài giờ theo quy định, có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và nội dung giảng dạy.
Đặc biệt, tăng lương, cải thiện thu nhập cho giáo viên. Nếu giáo viên có một mức thu nhập đủ sống từ công việc giảng dạy chính khóa, họ sẽ không còn phải phụ thuộc vào dạy thêm. Chính sách đãi ngộ tốt sẽ giúp giảm động lực dạy thêm trái phép, đồng thời khuyến khích giáo viên tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học.
Điều không thể thiếu là ứng dụng công nghệ vào giáo dục. Thay vì phải đi học thêm tại nhà thầy cô hay các trung tâm, học sinh có thể tiếp cận các khóa học trực tuyến, nền tảng học tập thông minh với chi phí hợp lý. Nếu Bộ Giáo dục có thể triển khai các chương trình hỗ trợ học sinh học thêm miễn phí qua nền tảng công nghệ, áp lực về học thêm cũng sẽ giảm bớt đáng kể.
Dạy thêm, học thêm là một vấn đề không thể giải quyết bằng một mệnh lệnh hành chính hay một đợt thanh tra. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn, từ việc cải thiện chất lượng giảng dạy chính khóa, tăng thu nhập cho giáo viên, đến việc minh bạch hóa các hoạt động dạy thêm hợp pháp. Nếu chỉ thanh tra, kiểm soát mà không có giải pháp thay thế hợp lý, dạy thêm vẫn sẽ tồn tại dưới những hình thức khác và bài toán này sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi trong nhiều năm tới./.