Agribank và các giải pháp bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm

Thứ ba, 06/06/2023 16:54
(ThanhtraVietNam) - Để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm, Bảo hiểm Agribank luôn tập trung vào tất cả các khâu bán hàng với 2 yếu tố mang tính chất kim chỉ nam cơ bản. Agribank đã thành lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động triển khai bảo hiểm đối với các đơn vị thành viên trong toàn quốc, bán các sản phẩm phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phát biểu tại Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hôm 2/6, ông Đỗ Minh Hoàng - Quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm, Bảo hiểm Agribank đã xác định phải tập trung vào tất cả các khâu trước, trong quá trình bán hàng và cả dịch vụ sau bán hàng.

Đồng thời, đảm bảo 2 yếu tố mang tính chất kim chỉ nam cơ bản gồm:

Một là, mọi hành vi của mình phải luôn lấy khách hàng làm trung tâm, phải coi trọng quyền, đặt quyền lợi tối ưu cho khách hàng. Bởi lẽ, khách hàng của Bảo hiểm Agirbank đến 95% là bà con nông dân nên một trong các hoạt động thiết thực là phải thiết kế sản phẩm đơn giản, dễ hiểu và có thể chuyển đổi số ngay lập tức.

Hai là, phải tăng cường công tác đào tạo đại lý, tuyên truyền giáo dục, công tác truyền thông kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đài, báo tại địa phương để đưa tin, viết bài về chương trình ưu đãi; thiết lập những bộ phận chăm sóc khách hàng, đường dây nóng 24/7, nâng cao các ứng dụng về công nghệ thông tin.

Thời gian qua, Agribank đã có văn bản yêu cầu Bảo hiểm Agribank tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật và chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Trong tháng 4/2023, ngân hàng này cũng đã thành lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động triển khai bảo hiểm đối với các đơn vị thành viên trong toàn quốc, bán các sản phẩm phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi Toạ đàm. Ảnh: Agribank 

 Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm”, khách mời đã thảo luận nhiều vấn đề giúp người dân hiểu đúng về vai trò của bảo hiểm, của từng loại hình bảo hiểm và đề ra một số giải pháp, đó là:

Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng đặc thù, vì vậy phải chuẩn bị tâm thế, hiểu biết, trình độ đặc thù, điều kiện tham gia phải bảo đảm. Phải chuẩn bị chính sách, pháp luật, giáo dục, tuyên truyền để hai chủ thể đi đến với nhau; Nhà nước phải bảo đảm hợp đồng tốt để khách hàng tự bảo vệ chính mình. Cần quay trở lại vấn đề hợp đồng mẫu, để tránh giữa các công ty bảo hiểm mỗi nơi một kiểu.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý vi phạm. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội cũng phải công bố thông tin đánh giá các doanh nghiệp.

Thứ ba, rất cần các  biện pháp ghi âm, ghi hình các hợp đồng, thậm chí phát cho người mua bảo hiểm hướng dẫn cụ thể và chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó. Thông qua việc ứng dụng công nghệ cao trong quản lý hoạt động của lĩnh vực này, để ghi lại toàn bộ dấu vết về quan hệ tài chính.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa giáo dục, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này, nhất là công tác truyền thông.

Thứ năm, nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp trong lĩnh vực này. Qua đó, vụ việc vi phạm, cơ quan tư pháp đủ chuyên môn để giải quyết đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Thứ sáu, các cơ quan Nhà nước phải nghiên cứu kỹ việc tăng tính chế tài. Tất cả văn bản hiện nay về lĩnh vực này phải tăng chế tài vì nó liên quan đến toàn bộ hệ thống doanh thu, lợi nhuận… Tăng cả chất lượng và số lượng chế tài, là cách tạo hàng rào bao quanh bên ngoài để chúng ta bảo vệ các quan hệ cốt lõi. 

Phạm Ngọc Tú

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra