An Giang chủ động đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTN

Thứ tư, 31/08/2022 20:07
(ThanhtraVietnam) - Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, từng cơ quan, tổ chức và địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và đã ban hành 79 văn bản có liên quan công tác PCTN.

Theo đó, các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được 269 lớp với 35.265 lượt người tham dự, trọng tâm là Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng, Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, thực hiện cấp phát 577 tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN, phát sóng trên đài truyền thanh 85 lượt và 11 chuyên mục về PCTN tại huyện Châu Phú, An Phú và Tịnh Biên. Qua công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN nhằm góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng.

leftcenterrightdel
Chợ Long Xuyên bên bờ sông Hậu. Ảnh internet

Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, người lao động đầu năm, các cơ quan, tổ chức và địa phương thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…; công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu. Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện 04 cuộc kiểm tra tại 25 đơn vị, qua kiểm tra không có đơn vị vi phạm quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và niêm yết công khai quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính; Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 và Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh; trong kỳ, đã thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 13 văn bản; ban hành mới 21 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. 

Cán bộ, công chức, viên chức luôn thực hiện nghiêm tác phong, đạo đức, trang phục, giờ giấc; có thái độ ứng xử giao tiếp lịch sự, nhất là cán bộ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, công việc với người dân và doanh nghiệp theo quy định của UBND tỉnh; các Tổ kiểm tra công vụ cơ quan, đơn vị thực hiện 03 cuộc, qua đó ngăn chặn kịp thời, uốn nắn, xử lý các tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm quy định về ứng xử, đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, khó khăn, phiền hà trong thực thi nhiệm vụ.

Thực hiện Văn bản số 1293/UBND-NC ngày 09/11/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập hàng năm. Toàn tỉnh có 4.065 người thực hiện kê khai tại 48 đơn vị, đảm bảo thời gian kê khai đúng quy định, đạt 100%. 

Đến nay, qua hơn 6 tháng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 115 người thuộc thẩm quyền quản lý nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; tổng số tài sản tham nhũng phát hiện được qua điều tra là 5.124,3 triệu đồng, đã thu hồi 755 triệu đồng. Số tiền còn lại đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Nhìn chung, công tác PCTN đã được các cấp ủy, các cấp ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có sự chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong các hoạt động; xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác… được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra trách nhiệm về PCTN được duy trì; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đi vào thực chất hơn.

Các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phòng ngừa các hành vi tham nhũng. Việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua đã góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực và trong các ngành, các cấp, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư công, giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, nhằm ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, bộ máy trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác PCTN bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn, còn chồng chéo, mâu thuẫn. Chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Các quy định pháp luật về bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phản ánh, kiến nghị về hành vi tham nhũng hiện hành chưa thật sự hiệu quả; Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phản ánh, kiến nghị hành vi tham nhũng hiện hành chưa thực sự khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dũng cảm đấu tranh với hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; vẫn còn tâm lý e ngại, nể nang, sợ bị đe dọa, trả thù, trù dập.

Công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo để phòng ngừa tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu, nặng tính hình thức, còn nể nang, né tránh; tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Ngoài ra, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ gặp khó khăn do Bộ, ngành trung ương chưa ban hành danh mục và thời gian chuyển đổi vị trí công tác trong ngành, lĩnh vực theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Hơn nữa, công tác kiểm soát tài sản, thu thập của người có chức vụ, quyền hạn còn khó khăn trong việc xác định người có nghĩa vụ kê khai, cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập còn nhiều vướng mắc nhất là đối với người giữ chức vụ tương đương (do chưa có quy định cụ thể); người có nghĩa vụ kê khai tài sản còn có cách hiểu khác nhau về nội dung, giá trị tài sản kê khai.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang chủ động đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW ngày 26/01/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân nhằm ngày càng nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. 

Ba là, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị gắn với thực hiện dân chủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu. 

Bốn là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế làm việc; kiểm soát hiệu quả và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi vụ lợi trong thực thi công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.

Năm là, phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội, khi có thông tin của xã hội và người dân, cơ quan đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng có nhiệm vụ xác minh đầy đủ và kịp thời các nguồn tin và có trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng kiến nghị các Bộ, ngành sớm ban hành danh mục và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ; Bộ chuyên ngành ban hành Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 21 Luật phòng, chống tham nhũng; Sớm hoàn thành và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phục vụ cho công tác kiểm soát./.

BTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra