Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo báo cáo kết quả công tác Quý II năm 2024 của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thanh Hóa, về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Tổng số phải thi hành 257 việc, với số tiền hơn 143,53 tỷ đồng. Số có điều kiện là 112 việc, với số tiền hơn 39,79 tỷ đồng. Đã thi hành xong 44 việc, với số tiền là hơn 19,63 tỷ đồng. Số chưa có điều kiện thi hành 145 việc, với số tiền gần 103,74 tỷ đồng.
Kết quả trên cho thấy, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong đó, quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng chưa hoàn thiện, hệ thống pháp luật hiện hành còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng, chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.
Quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tạo ra cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế hiệu quả; quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa phù hợp; trình tự, thủ tục thi hành án dân sự.
Ví dụ, quy định về việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn còn bất cập, nhất là đối với loại tội phạm tham nhũng, kinh tế: chưa quy định được áp dụng trong giai đoạn giải quyết tin báo tội phạm. Theo khoản 3 Điều 128 (Kê biên tài sản) và khoản 3 Điều 129 (Phong tỏa tài khoản) quy định chỉ kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, mà mức tương ứng này không thể xác định chính xác được khi vụ án đang ở giai đoạn điều tra, truy tố, dẫn đến việc khó áp dụng được hai biện pháp này trên thực tế.
Đặc biệt, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng thường tập trung vào việc chứng minh hành vi vi phạm nhưng lại chưa quan tâm đến việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Khi nhận được bản án thì cơ quan thi hành án không thể thực hiện được vì không còn tài sản để thi hành án; các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về áp dụng các biện pháp bảo đảm, như kê biên, tạm giữ chưa được chi tiết, cụ thể.
Trong khi đó, số tiền sai phạm đã bị các đối tượng phạm tội tẩu tán từ trước giai đoạn thi hành án hoặc sử dụng vào các mục đích chi tiêu cá nhân, dẫn đến không có tài sản để kê biên phục vụ công tác thu hồi tài sản, hoặc nếu còn tài sản thì tài sản cũng có giá trị thấp.
|
|
Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Thanh Hóa còn thấp là do nhiều nguyên nhân. (Ảnh minh họa, internet) |
Thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt
Nghị quyết số 96/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2019, giao Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.
Ngày 02/6/2021, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo đó, ngày 04/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1486-CV/TU yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiệm Quy định này với một số nhiệm vụ trọng tâm.
Như vậy, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được tập trung đẩy mạnh.
Theo đó, những tháng đầu năm 2024, hệ thống THADS tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc kinh tế, tham nhũng, các vụ việc có giá trị thi hành lớn thuộc diện Ban Nội chính theo dõi đôn đốc và Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo.
Kiểm soát chặt chẽ tiến độ xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng
Thời gian tới, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến công tác THADS.
Tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ THADS xong về việc và về tiền. Nâng cao hiệu quả thi hành các khoản thu cho ngân sách Nhà nước và thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, kết quả xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.