Tiến hành cưỡng chế công trình lớn chưa rà soát kĩ có thể dẫn tới những nguy cơ pháp lý
Theo dự kiến, hôm nay (17/7), UBND phường 1 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sẽ tiến hành kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm tại Dự án toà nhà CLB golf ở Đồi Cù Đà Lạt.
Kế hoạch 492/KH-UBND ngày 15/7/2024 của UBND phường 1 nêu rõ phần công trình vi phạm phải cưỡng chế tại sân golf Đồi Cù, do Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL làm chủ đầu tư gồm 2 khối với tổng diện tích công trình buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ là 20.406m². Kinh phí thực hiện tháo dỡ các công trình này hết hơn 32 tỷ đồng (chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm trên).
Không những cần kinh phí rất lớn trên, để cưỡng chế công trình, các cơ quan chức năng dự kiến huy động 45 người thuộc UBND phường 1 và 32 người thuộc nhân sự UBND TP Đà Lạt gồm đại diện các phòng ban, lực lượng công an, người làm chứng… Thời gian thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình này dự kiến kéo dài trong 2 tháng, dự kiến hoàn thành vào ngày 17/9.
Theo Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL, chi phí cưỡng chế hơn 32 tỷ đồng là chưa hợp lý, đồng thời doanh nghiệp gửi văn bản tới UBND phường 1, UBND TP Đà Lạt đề nghị rà soát lại quy trình và lựa chọn đơn vị tháo dỡ công trình tại Dự án tòa nhà CLB golf.
|
|
Tạm hoãn cưỡng chế công trình tại sân golf Đồi Cù Đà Lạt |
Theo nhìn nhận của các luật sư, trường hợp phía chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế công trình có quy mô lớn mà chưa có sự đồng thuận của doanh nghiệp thì có thể doanh nghiệp không thực hiện thanh toán và tiến hành khởi kiện về nội dung này.
Chưa kể, trên thực tế Dự án tòa nhà golf còn đang phát sinh vụ kiện giữa nhà thầu thi công dự án và nhà thầu chính tại TAND quận Bình Thạnh và TAND TP Thủ Đức (TP HCM) về việc chưa thanh toán tiền xây dựng công trình. Thêm nữa, việc cưỡng chế công trình với quy mô lớn nêu trên còn liên quan đến việc kiểm kê tài sản, xác định quy mô công trình xây dựng, để thực hiện các nội dung liên quan đến tố tụng trước khi cơ quan chức năng cưỡng chế...Đó là những nguy cơ pháp lý mà chính quyền địa phương phải đối mặt nếu hoạt động cưỡng chế không được rà soát, tính toán kĩ lưỡng cả về thủ tục pháp lý theo quy định cũng như kinh phí cưỡng chế.
Bị cấm thay đổi hiện trạng, tạm hoãn cưỡng chế công trình tại sân golf Đồi Cù
Trước nhiều lý do như đã phân tích ở trên, nhất là căn cứ vào quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Cấm thay đổi hiện trạng với tài sản tranh chấp" được đưa ra bởi TAND TP Thủ Đức (TP HCM), nội dung dự kiến cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm tại sân golf Đồi Cù (Đà Lạt) của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL phải tạm hoãn trong ngày 17/72024.
|
|
Nếu không được rà soát kĩ lưỡng các quy định pháp luật có thể sẽ phát sinh các vấn đề liên quan. |
Trước đó, ngày theo Quyết định 16/2024/QĐ-BPKCTT ngày 16/7/2024, sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty TNHH Văn Lang (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), nguyên đơn trong vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm được tòa án thụ lý ngày 7/6/2024 về việc tranh chấp hợp đồng thi công, TAND TP Thủ Đức xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng đối với hiện trường tranh chấp là cần thiết để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có của tài sản liên quan tới vụ án, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ, thực hiện các thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án.
TAND TP Thủ Đức quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp là tòa nhà CLB Golf Đà Lạt cho tới khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời này.
Thực tế, trong vụ kiện này, Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL (đường Trần Phú, TP Đà Lạt), chủ đầu tư của tòa nhà CLB Golf Đà Lạt được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, căn cứ vào nhiều lý do, nhất là quyết định của TAND TP Thủ Đức (TP HCM), áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Cấm thay đổi hiện trạng với tài sản tranh chấp" đã dẫn tới quyết định tạm hoãn của UBND phường 1 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là hợp lý. Như đã phân tích ở trên, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan liên quan cần xác định rõ, rà soát lại quy định pháp luật liên quan để tiến hành hoạt động cưỡng chế đúng lý, hợp tình, tránh phát sinh những đơn thư, khiếu kiện liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ra quyết định và thực hiện quyết định cưỡng chế.
Trong một diễn biến liên quan, vi phạm trật tự xây dựng của Công ty Khải Vy tại công trình dự án khách sạn 5 sao Merperle Dalat Hotel, cũng trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tuy nhiên dường như doanh nghiệp này lại "được" áp dụng như "trường hợp đặc biệt" khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp ký Văn bản số 9705/UBND (ngày 3/11/2023) giao các sở, ngành phối hợp với UBND TP Đà Lạt xác định nghĩa vụ tài chính Công ty CP Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại công trình trên. Dư luận đặt vấn đề rằng, đây là điều bất hợp lý, thể hiện sự không nhất quán trong việc xử lý sai phạm với các công trình vi phạm tại Lâm Đồng. Cùng vấn đề vi phạm, nhưng phía Merperle Dalat Hotel được đóng tiền để khắc phục vi phạm, trong khi sân golf Đồi Cù lại bị cưỡng chế.