|
|
Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ảnh minh họa |
Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW “Về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” (viết tắt là Quy định số 132-QĐ/TW).
Để việc triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW nghiêm túc và đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thực hiện một số nhiệm vụ như quán triệt và tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW, gắn với việc thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức, đến hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (viết tắt là hoạt động tố tụng), thi hành án và hoạt động khác có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (viết tắt là hoạt động khác có liên quan). Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử
Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, lãnh đạo, chỉ đạo:
Thứ nhất, xây dựng các chương trình, kế hoạch, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Thực hiện nghiêm túc các quyết định, yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xem xét, yêu cầu, kiến nghị các cơ quan chức năng kháng nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét lại, kịp thời hủy bỏ, thay đổi các quyết định tố tụng, thi hành án, các kết luận không có căn cứ, trái pháp luật.
Thứ hai, tập trung rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo, những quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế để bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên và người có thẩm quyền khác có liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan, kịp thời phát hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời các yêu cầu kiến nghị, phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; đồng thời, có biện pháp bảo vệ, khen thưởng người phát hiện, phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, cung cấp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, trách nhiệm nêu gương, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xây dựng văn hóa liêm chính và các biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thành phố Cần Thơ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vai trò của Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan có liên quan tham mưu tốt cho cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; cho chủ trương xử lý các vụ án, vụ việc; định hướng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nêu cao vai trò người đứng đầu của các cơ quan tố tụng, thi hành án
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Một là, gương mẫu thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc tự phê bình và phê bình, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống liêm khiết, trong sạch, công tâm, khách quan, công bằng trong thực thi công vụ; không cản trở, tác động, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; không cản trở, tác động, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trong lĩnh vực này.
Hai là, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, những việc không được làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, giám thị và người có thẩm quyền khác trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, nhằm kịp thời phát hiện chấn chỉnh những thiếu sót, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, bao che, tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, bao che, tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố lãnh đạo rà soát, tham mưu hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hội trong việc kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.